Nghiên cứu tái thiết Điện Cần Chánh, Hoàng Thành Huế – (Phần 2.1)

Quần thể Di tích Cố đô Huế là di sản văn hoá đầu tiên của Việt Nam được tổ chức UNESCO công nhận là Di sản văn hoá thế giới vào tháng 12/1993 với giá trị nổi bật toàn cầu và được bảo vệ vì lợi ích của nhân loại. Với nỗ lực của tỉnh Thừa Thiên Huế, sự quan tâm chỉ đạo của Trung ương và sự hỗ trợ đắc lực của cộng đồng quốc tế, Quần thể Di tích Cố đô Huế đã vượt qua giai đoạn khủng hoảng, đang trên đà ổn định và phát triển.

Hình 1. Bản vẽ mặt bằng và mặt cắt Tháp Đông chùa Yakushiji, Nara, Nhật Bản (nguồn: Lab. Lịch sử kiến trúc, Viện Đại học Waseda, Tokyo, Nhật Bản)

Có 3 công ước quốc tế được xem là văn bản pháp lý quốc tế quan trọng liên quan đến lĩnh vực này bao gồm: Công ước Venice 1964 (International Charter for the Conservation and Restoration of Monuments and sites), Công ước Nara 1994 (The Nara Document on Authenticity) và Công ước Bura 1999 (The Australia ICOMOS Charter for the Conservation of Places of Cultural significance), trong đó Công ước Nara 1994 có khả năng ứng dụng đối với đặc trưng của Quần thể Di tích Cố đô Huế.

Bài viết này đề cập đến các khái niệm cơ bản được chắt lọc từ các văn bản pháp lý quốc tế về bảo tồn di sản văn hoá và luật Di sản văn hoá Việt Nam, nhằm diễn giải nội hàm khái niệm Bảo tồn, Trùng tu và Tái thiết di sản, góp phần định hướng thiết lập các dự án bảo tồn trong tương lai. Ngoài ra, thông qua bài nghiên cứu này, chúng tôi đề xuất khái niệm “Mã lưu truyền” (Transmision Code) và khái niệm “DNA Di sản” (Heritage DNA) như là tiền đề cho những nghiên cứu tiếp theo nhằm thiết lập công thức lưu truyền văn hóa thông qua di sản kiến trúc.

Hình 2/ảnh trái. Tháp Đông (Yakushiji) (nguồn: https://yakushiji.or.jp); Hình 3/ảnh phải. Tháp Tây (Yakushiji) (nguồn: https://yakushiji.or.jp)

Công ước quốc tế và luật di sản văn hoá Việt Nam

Cho đến nay đã có nhiều công ước quốc tế liên quan đến lĩnh vực bảo tồn di sản văn hoá đã được UNESCO thông qua, sớm nhất là công ước Athens 1931 (The Athens Charter for the Restoration of Historic Monuments) và gần đây nhất là Công ước Zimbabwe 2003 (Principles for the Analysis, Conservation, and Structural Restoration of Architectural Heritage). Để thiết lập phương pháp luận nghiên cứu tái thiết di sản đối với Di tích Huế, chúng tôi chú trọng vận dụng các điều khoản của 3 công ước quốc tế quan trọng là: Công ước Venice 1964 (International Charter for the Conservation and Restoration of Monuments and sites), Công ước Nara 1994 (The Nara Document on Authenticity) và Công ước Bura 1999 (The Australia ICOMOS Charter for the Conservation of Places of Cultural significance). Trong đó, Công ước Nara 1994 rất quan trọng có khả năng ứng dụng toàn diện đối với đặc trưng của Di tích Huế.

Bên cạnh đó, việc nghiên cứu Luật Di sản Văn hoá Việt Nam và các văn bản dưới Luật là không thể thiếu được nhằm xác định cấp độ và loại hình di sản của đối tượng nghiên cứu, tuân thủ luật pháp Việt Nam đồng thời đảm bảo sự chuẩn mực trong công tác bảo tồn di sản văn hoá theo tiêu chí của các công ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết tham gia vào năm 1987.

Ngoài ra, để thực hiện nghiên cứu này, chúng tôi còn tham khảo sách xuất bản của các học giả nguyên là chuyên gia ICOMOS và UNESCO, cụ thể là sách “Nhận biết, Bảo tồn và Quản lý Di sản” (Heritage Identification, Conservation, and Management, Graeme Aplin, ISBN 019551297-9) và “Từ điển minh hoạ về Kiến trúc Bảo tồn” (Illustrated Dictionary of Architectural Preservation, Ernest Burden, ISBN 0-07-142838-0). Từ những công ước quốc tế, Luật Di sản Văn hoá Việt Nam và sách xuất bản nêu trên, chúng tôi tập trung phân tích những từ khoá (keyword) quan trọng liên quan đến các vấn đề sẽ được đề cập trong nghiên cứu này nhằm làm rõ nội hàm khái niệm, giúp thiết lập phương pháp luận nghiên cứu tái thiết di sản kiến trúc phù hợp với điều kiện thực tế của Việt Nam và của Di tích Huế, đặc biệt là đối với công trình di sản kiến trúc Điện Cần Chánh.

Công ước Nara 1994 về “tính chân xác” và khả năng ứng dụng

Hội thảo Nara về Tính Chân Xác được tổ chức tại TP Nara, Nhật Bản vào tháng 11/1994, Ủy ban Di sản Thế giới của UNESCO, tổ chức CCROM và ICOMOS đã chính thức thông qua Công ước Nara 1994 về Tính Chân xác (Nara Documents on Authenticity, gọi tắt là Công ước Nara).

Công ước Nara gồm 13 điều và 02 phụ lục, trong đó bổ sung khái niệm Đa dạng Văn hóa (Cultural Diversity) và Đa dạng Di sản (Heritage Diversity), Giá trị (Values) và Tính Chân Xác (Authenticity) được hình thành trên tinh thần Công ước Venice 1964. Theo đó, rất rõ để nhận biết rằng Công ước Nara đã đồng thời triển khai 02 hạng mục lý luận quan trọng giúp mở rộng các khái niệm cốt lõi trong bảo tồn di sản văn hóa trên toàn thế giới.

1. Đa dạng Di sản và Đa dạng Văn hoá

Về mặt biện chứng, đa dạng di sản là hệ quả tất yếu của đa dạng văn hóa, phù hợp với nguyên tắc cơ bản của UNESCO: Di sản văn hóa của mỗi cộng đồng là di sản văn hóa của tất cả cộng đồng nhân loại (Nara 1994, điều 8). Vì vậy, sự đa dạng của các nền văn hóa và di sản trong thế giới của chúng ta là nguồn tài nguyên phong phú về trí tuệ và tinh thần không thể thay thế, và việc bảo vệ, tăng trưởng sự đa dạng về văn hóa và di sản cần được thúc đẩy mạnh mẽ như một khía cạnh thiết yếu của sự phát triển con người” (Nara 1994, điều 5).

Theo đó, sự phát triển của xã hội loài người nói chung và của mỗi cộng đồng dân tộc nói riêng chú trọng vào sự kế thừa lịch sử và truyền thống của mỗi dân tộc. Sự đa dạng di sản sẽ làm phong phú và bảo đảm nguồn gen văn hóa tươi mới để mỗi cộng đồng dân tộc phát triển bền vững. Khái niệm đa dạng văn hóa và đa dạng di sản được đề cập trong Công ước Nara đã mở rộng khuôn khổ xác định, thẩm định và công nhận di sản, từ đó nhiều loại hình kiến trúc truyền thống và các công trình kiến trúc bản địa được tạo nên thông qua quá trình tiếp biến văn hóa trong quá khứ đều có thể là ứng cử viên cho di sản văn hóa của quốc gia ấy, hoặc di sản văn hóa thế giới.

2. Giá trị và Tính Chân Xác

Hình 4. Sách cổ “Kiwari shou” của thợ mộc Nhật Bản (nguồn: Catalog Nabunken, 2004)

a) Giá trị (Values)

Di sản văn hoá thường bao gồm các nhóm giá trị sau đây (Feilden, ISBN 0-7506-5863-0):

  • Giá trị tình cảm bao gồm: Giá trị kỳ quan, bản sắc, tính liên tục của truyền thống, sự ngưỡng mộ, lòng tôn kính, sự cao cả của biểu tượng và sự sâu sắc về tinh thần;
  • Giá trị văn hóa bao gồm: Giá trị tư liệu, lịch sử, khảo cổ và niên đại, thẩm mỹ và kiến trúc, cảnh quan và sinh thái, khoa học và công nghệ, truyền thống và tâm linh;
  • Các giá trị sử dụng trong tương lai bao gồm: Giá trị công năng, kinh tế, xã hội, giáo dục, chính trị và thương hiệu văn hoá.

Các giá trị nêu trên được thẩm định, công nhận sau khi di sản đã được sản sinh, đây cũng là những tiêu chí cơ bản để đánh giá, công nhận cấp độ và loại hình di sản văn hóa của mỗi cộng đồng dân tộc và cộng đồng thế giới.

Công ước Nara làm rõ nguồn gốc của các giá trị này thông qua khái niệm giá trị cấu thành di sản, bao gồm toàn bộ các khía cạnh vật chất (tangible) và tinh thần (intangible) của chúng để tạo nên các giá trị đó thể hiện rõ ràng bằng sự đa dạng của di sản văn hóa tồn tại trong thời gian và không gian mà trong đó ẩn chứa tất cả các khía cạnh tâm linh khác cần được tôn trọng (Nara 1994, điều 6). Ngoài ra, việc bảo tồn di sản văn hóa dưới mọi hình thức và các giai đoạn lịch sử được bắt nguồn từ các giá trị do di sản mang lại (Nara 1994, điều 9).

Như vậy, có thể nhận định rằng: Trước khi di sản và các giá trị của nó được sản sinh thì đã tồn tại mầm mống di sản tiềm ẩn bên trong truyền thống của cộng đồng dân tộc sản sinh ra nó. Có lẽ, đây là sự đề xuất quan niệm táo bạo và hoàn toàn xác đáng xuất phát từ truyền thống và thực tế bảo tồn, tôn tạo di sản văn hóa Nhật Bản, phạm vi của nó không chỉ giới hạn trong khuôn khổ địa giới hành chính của đất nước Nhật Bản mà còn có thể vượt không gian và thời gian để lan tỏa sang nhiều quốc gia khác.

b) Tính Chân xác (Authenticity)

Khái niệm tư liệu chân xác về di sản lần đầu tiên được đề cập trong Công ước Venice 1964, nhưng nó chỉ giới hạn trong khuôn khổ các tài liệu chứng minh nguồn gốc và thông tin đáng tin cậy về di tích kiến trúc để phục vụ cho các hoạt động trùng tu, nhằm bảo tồn và phát huy giá trị thẩm mỹ và văn hoá lịch sử của di tích đó dựa trên sự tôn trọng tài liệu gốc và tính xác thực của các nguồn tài liệu cung cấp (Venice 1965, điều 9). Ngoài ra, có quan điểm khác cho rằng tính xác thực có nghĩa là hiểu rõ động cơ của hành động tự chủ trong sáng tạo, có thẩm quyền sở hữu, nguyên bản, độc đáo, đúng và và xác thực của chủ thể sáng tạo (Jokilehto, ISBN 0-7506-5511-9).

Tuy nhiên, tính chân xác được đề cập trong Công ước Nara rằng: Tùy thuộc vào bản chất của di sản văn hóa, bối cảnh văn hóa và sự phát triển của nó thông qua lịch sử, các đánh giá về tính chân xác có thể được liên kết với giá trị của nhiều nguồn thông tin khác nhau. Các khía cạnh của nguồn thông tin đó có thể bao gồm hình thức và thiết kế, vật liệu và nội dung, sử dụng và chức năng, truyền thống và kỹ thuật, vị trí và bối cảnh, tinh thần và cảm giác, và các yếu tố bên trong lẫn bên ngoài khác (Nara 1994, điều 13). Biểu hiện cụ thể bao gồm:

  • Sự minh chứng xác thực bằng tư liệu: Tư liệu lịch sử chính thống (chính sử) và các nguồn sử liệu tham khảo tin cậy; nguyên lý và phương pháp thiết kế kiến trúc truyền thống; sự hiểu biết thấu đáo về kỹ thuật và công nghệ xây dựng truyền thống;
  • Sự xác thực về vật liệu xây dựng, hình thức kiến trúc, cấu trúc và khả năng duy trì;
  • Tính nguyên vẹn và liên tục của kỹ thuật truyền thống và khả năng ứng dụng.

Theo đó, tính chân xác được hiểu theo tinh thần của Công ước Nara là yếu tố định tính thiết yếu liên quan đến các giá trị, tính xác thực và tính liên tục của truyền thống thông qua di sản kiến trúc, đóng vai trò nền tảng trong tất cả các nghiên cứu khoa học về di sản văn hóa, các dự án bảo tồn, trùng tu và tái thiết di sản (Nara 1994, điều 10). Vì vậy, nội hàm của tính chân xác theo Công ước Nara rất rộng về lượng và quan trọng về chất, mở ra triển vọng lớn cho khả năng thích ứng kỹ thuật công nghệ cho việc tái thiết các di sản kiến trúc gỗ đã bị mất của nhiều quốc gia khác trên thế giới nếu xét thấy chúng cùng hệ tham chiếu văn minh và văn hoá.

(Còn tiếp)
Xin cảm ơn TS.KTS. Lê Vĩnh An  đã gửi đến chúng tôi bài viết này!

TS.KTS. Lê Vĩnh An – Viện Trưởng Viện Kỹ thuật Công nghệ Việt – Nhật, Đại học Duy Tân, Đà Nẵng, Việt Nam

KS. Nguyễn Thế Sơn – Phó Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Cung Đình Huế, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, Thừa Thiên Huế, Việt Nam

ThS. Nguyễn Thị Kim Nhung – Giảng viên, Viện Đào tạo và Nghiên cứu Du lịch, Đại học Duy Tân, Đà Nẵng, Việt Nam

(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 12-2022)

Chú thích:

1) Enest Burden, “Từ điển minh hoạ về Kiến trúc Bảo tồn” (Illustrated Dictionary of Architectural Preservation), ISBN 0-07-142838-0)

2) Hoàng Đạo Kính, Văn hóa Kiến trúc, NXB Tri Thức, Hà Nội 2012, tr. 3

 

 

 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *