Nghiên cứu Tái thiết Ðiện Cần Chánh, Hoàng Thành Huế – Di sản Văn hoá Thế giới – Phần 4: Phương pháp luận Nghiên cứu Tái thiết Điện Cần Chánh

Diễn biến quốc tế về bảo tồn di sản văn hóa ở khu vực Châu Á vào những năm 1993-1996, cụ thể là sự ra đời của Công ước Nara 1994 (Nara Documents on Authenticity) và sự kiện Hoàng Cung Nara (Heijoukyo, Nara) được công nhận là Di sản Văn hoá Thế giới đã tạo động lực và nguồn cảm hứng mạnh mẽ cho Việt Nam trong việc hun đúc ý tưởng tái thiết những công trình di sản kiến trúc có giá trị bị mất mà Việt Nam đã tham gia ký kết trở thành thành viên của Công ước Di sản Thế giới năm 1987.

Tiếp theo những bài viết nghiên cứu trước đây, trong bài viết này, trên cơ sở vận dụng lý luận, kinh nghiệm trùng tu di sản kiến trúc và điều kiện về thiết bị công nghệ, chúng tôi đề xuất Phương pháp luận Nghiên cứu Tái thiết Điện Cần Chánh gồm 9 hướng tiếp cận nghiên cứu và 4 phương pháp phân tích theo nguyên tắc “Tứ Định” (định tính, định lượng, định hình và định giá trị) làm nền tảng cho việc triển khai các hạng mục nghiên cứu theo định hướng bảo tồn của dự án tái thiết ngôi Điện này.

Bản vẽ trong tài liệu “Điện Đường Danh Hiệu Đồ Thức” của triều Nguyễn

Bối cảnh nghiên cứu

Hội nghị lần thứ 17 của Ủy ban Di sản Thế giới (thuộc tổ chức UNESCO) được tổ chức tại Colombia vào tháng 12/1993 đã quyết định ghi tên Quần thể Di tích Cố đô Huế (The Complex of Hue Monuments, sau đây gọi tắt là Di tích Huế) vào danh mục Di sản văn hóa Thế giới. Tháng 11/1994, Công ước Nara về Tính Chân Xác (Nara Documents on Authenticity) được Ủy ban Di sản Thế giới của UNESCO chính thức thông qua năm 1996, khu di tích khảo cổ học Hoàng Cung Nara (thế kỷ 8-9) được công nhận là Di sản văn hoá Thế giới đã chứng minh sự đóng góp quan trọng của Công ước Nara vào hệ thống công ước quốc tế trong lĩnh vực bảo tồn di sản văn hóa.

Những diễn biến quốc tế nêu trên đã tạo điều kiện thuận lợi cho công cuộc bảo tồn và tái thiết Di tích Huế. Tuy được hình thành rất muộn (thế kỷ 19) nhưng Kinh đô Huế cũng được thiết kế và xây dựng trên cơ sở tham khảo hệ quy chiếu văn minh Trung Hoa như các quốc gia đồng văn châu Á khác kết hợp yếu tố nhập khẩu công nghệ châu Âu (kiến trúc phòng thủ Vauban của Kinh Thành Huế). Sự ra đời của Công ước Nara và sự kiện Hoàng Cung Nara được công nhận là Di sản văn hoá Thế giới đã tạo động lực và nguồn cảm hứng mạnh mẽ trong việc hun đúc ý tưởng tái thiết di sản kiến trúc đã bị mất mà Việt Nam đã tham gia ký kết trở thành thành viên của Công ước Di sản Thế giới năm 1987.

Dự án bảo tồn tổng thể Di tích Huế giai đoạn 1996-2010 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào tháng 12/1996, Quyết định 818/QĐ-TTg ngày 07/6/2010 về việc phê duyệt Đề án điều chỉnh quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị di tích Cố đô Huế giai đoạn 2010-2020, theo đó ở giai đoạn III (2018-2020), nhiệm vụ đặt ra là: “Hoàn chỉnh việc phục hồi và tôn tạo những phế tích có giá trị tiêu biểu. Cơ bản phục hồi hoàn nguyên các công trình quan trọng khu vực Đại Nội theo kiến trúc Hoàng Thành trước đây và phương án quy hoạch bảo tồn được duyệt” trong đó bao gồm công trình Điện Cần Chánh.

Giai đoạn 1994 – 2010, chương trình hợp tác nghiên cứu bảo tồn giữa Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế và Viện Đại học Waseda (Nhật Bản) đã được triển khai, trong đó nhiệm vụ trọng tâm của chương trình hợp tác này nghiên cứu nguyên lý quy hoạch Kinh đô Huế và thiết lập phương pháp luận tái nghiên cứu thiết di sản. Đó chính là bối cảnh để chúng tôi tiến hành chủ đề nghiên cứu này.

Mô hình tái thiết Điện Cần Chánh (tỉ lệ 1/10)

Phương pháp luận Nghiên cứu tái thiết Điện Cần Chánh

1. Các hướng tiếp cận nghiên cứu

Phương pháp (Method) hiểu theo nghĩa thông thường là phương cách, cách thức có định hướng để thực hiện một công việc nào đó. Phương pháp luận (Methodology) là sự tập hợp nhiều phương pháp được kết hợp theo những nguyên tắc nhất định. Phương pháp luận được đề cập trong nghiên cứu này bao gồm một tập hợp các hướng tiếp cận nghiên cứu và các phương pháp phân tích được triển khai đồng thời với sự hỗ trợ của các thiết bị công nghệ: Máy toàn đạc quang tuyến (Optimal Measurement Machine), hệ thống định vị toàn cầu (Globle Position System/GPS), hệ thống thông tin địa lý (Geographic Information System/GIS), máy ảnh kỹ thuật số (Digital Camera), máy scan (Digital Scanner), computer Mac O.S, Windows và các phần mềm hộ trợ khác như Vector Work, Auto CAD, BIM (Building Information Modelling), Photoshop Indesign, Excel và các dụng cụ đo đạc cầm tay khác.

1.1 . Nghiên cứu tư liệu sử, đồ bản và bản vẽ cổ (A)

Sưu tập và truy tìm nguồn gốc của các nguồn tư liệu lịch sử nhằm xác thực thông tin về sự hiện hữu của công trình kiến trúc di sản, lịch sử xây dựng và tu bổ, những thay đổi trong quá khứ, ghi nhận và tìm hiểu những thông tin liên quan đến di sản để thẩm định tính chân xác của các nguồn tư liệu cung cấp theo tinh thần công ước quốc tế. Giải mã thông tin chữ Hán từ các nguồn sử liệu và thư tịch cổ để tìm hiểu về điển chế kiến trúc triều Nguyễn.

Nguồn sử liệu triều Nguyễn bao gồm: Khâm Định Đại Nam Hội Điển Sự Lệ Chính Biên (欽定大南會典事例正編), Khâm Định Đại Nam Hội Điển Sự Lệ Tục Biên (欽定大南會典事例続編), Đại Nam Thực Lục (大南寔録), Đại Nam Nhất Thống Chí (大南一統志), Quốc Triều Chánh Biên (國朝正編), Hoàng Việt Luật Lệ (皇越律例), Châu Bản Triều Nguyễn (阮朝硃本) và Minh Mạng Chính Yếu (明命政要), Điện Đường Danh Hiệu Đồ Thức (殿堂名號圖式 ) (hình 1).

Các thư tịch cổ và những nguồn tư liệu khác bao gồm: Phủ Biên Tạp Lục (撫邊雜錄), Nam Phương Danh Vật Bị Khảo (南方名物備攷), An Nam Chí Lược (安南志略), Những người bạn Cố đô Huế (Bullentin des Amis du Vieux Hue/B.A.V.H), Tạp chí Dân Việt Nam (Le peuple Vietnamien), Thời báo Đông Dương (Revue Indochinoies), Cố Đô Huế (Thái Văn Kiểm).

1.2 . Nghiên cứu tư liệu ảnh cổ (B)

Nguồn tư liệu ảnh đen trắng chụp Di tích Huế bằng phương pháp âm bản (negative) trên kính hoặc phim nhựa do người phương Tây chụp, chủ yếu bắt đầu xuất hiện từ thời Thành Thái. Trong nghiên cứu này, chúng tôi sử dụng 54 bức ảnh đen trắng chụp vào nửa đầu thế kỷ 20 được chia thành bốn giai đoạn (bảng 1):

a) Giai đoạn 1: Trước năm 1907 (thời Thành Thái);
b) Giai đoạn 2: 1907 – 1916 (thời Duy Tân);
c) Giai đoạn 3: 1916 – 1925 (thời Khải Định);
d) Giai đoạn 4: 1925 – 1947 (thời Bảo Đại đến chiến tranh Đông Dương lần 1).
Trong đó gồm 3 nhóm: Ảnh chụp từ trên không, ảnh chụp ngoại thất và ảnh chụp nội thất. Từ những bức ảnh này đã xác định được vị trí tương quan trong khu vực và hình thức kiến trúc của ngôi Điện này. Ngoài ra còn giúp kiểm chứng được chiều cao của các cây cột so với kích thước thiết kế lý thuyết.

1.3. Thám sát khảo cổ học, khảo sát nghiên cứu phế tích nền móng kiến trúc (C)

Công tác khảo sát phế tích nền móng Điện Cần Chánh được thực hiện liên tục từ năm 2002 đến năm 2006 bằng 03 phương pháp khảo sát được áp dụng để thu thập cơ sở dữ liệu phục vụ cho việc phân tích là: Sử dụng máy toàn đạc quang tuyến, thiết bị GPS và GIS để đo đạc kích thước tổng thể, xác định vị trí của từng viên đá và vị trí của Điện Cần Chánh trong mối tương quan định vị địa lý toàn cầu; Phương pháp bóc lớp phủ bề mặt nền Điện, phác thảo, đo vẽ thủ công từng bộ phận và chụp ảnh các dấu tích liên quan đến quá trình biến đổi của nền móng; Thám sát khảo cổ học một phần bó vỉa để tìm hiểu thành phần cấu tạo bên trong của nó1. Với sự kết hợp đồng thời của 03 phương pháp khảo sát trên, chúng tôi đã ghi nhận đầy đủ các cơ sở dữ liệu cần thiết cho việc phân tích.

Bảng 1. Danh mục tư liệu ảnh cổ

<<Còn tiếp>>

Xin cảm ơn TS.KTS. Lê Vĩnh An  đã gửi đến chúng tôi bài viết này!

TS.KTS. Lê Vĩnh An – Trưởng khoa Kiến trúc, Đại học Duy Tân – Đà Nẵng

(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 02-2023)

Chú thích:
1) Cuộc thám sát khảo cổ học nền móng Điện Cần Chánh (góc Tây-Nam) được thực hiện bởi đội ngũ nghiên cứu của GS. Kiguchi (Đại học Waseda) và các chuyên gia khảo cổ học gồm Trịnh Nam Hải, Huỳnh Anh Vân, Phan Thuý Vân; các chuyên gia kỹ thuật gồm Lê Vĩnh An, Đỗ Hữu Triết, Lê Phước Tân (Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế), Huế, tháng 08/2008.

2) Lê Vĩnh An & Trương Ngọc Quỳnh Châu, “Practicing on the re-construction study of “Can Chanh Dien” Palace, Hue Imperial City, Vietnam-world cultural heritage”, International Journal of Architectural Heritage, https://doi.org/10.1080/15583058.2019.1612483

3) Đỗ Hữu Triết, luận văn Thạc sĩ ngành Quang học “Màu và men màu cho đồ gốm sứ trong di tích Huế”, Đại học Khoa học Huế, 2006.

4) Phùng Phu & Đỗ Hữu Triết, “Nghiên cứu phục hồi vữa vôi truyền thống trong Di tích Huế” (Đề tài khoa học cấp tỉnh), Huế 2003-2008.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *