LÊN TÂY BẮC XÂY DỰNG SÂN VẬN ĐỘNG ĐIỆN BIÊN NGÀY ẤY – PHẦN THỨ NHẤT: DỐC CUN – THỬ THÁCH ĐẦU TIÊN

NGÀY ẤY CÁCH ĐÂY ĐÃ GẦN 40 NĂM

Công trình sân vận động Điện Biên là một trong những công trình sẽ được nâng cấp để phục vụ lễ kỷ niệm Ba mươi năm Chiến thắng Điện Biên Phủ vào ngày 7/5/1984. Hồi đó, Điện Biên Phủ còn là một huyện thuộc tỉnh Lai Châu. Sân vận động trước khi được nâng cấp chỉ mới là một bãi đất trống, không có hàng rào, chưa có cả bậc ngồi xung quanh còn nói gì đến khán đài có mái che.

Ngày ấy kết cấu xi măng lưới thép được nghiên cứu áp dụng khá phổ biến ở nước ta để làm tàu thuyền, cầu phao, mái vỏ mỏng… Trường Đại học Giao thông Đường sắt và Đường bộ (nay là ĐHGTVT) của chúng tôi là một trong những địa chỉ được ghi nhận về lĩnh vực này. Bởi thế, Tổng cục Thể dục Thể thao (TCTDTT) đã đề nghị chúng tôi thiết kế xây dựng khán đài A của sân vận động Điện Biên có mái che vươn ra 7m, dài 30m bằng kết cấu xi măng lưới thép. Ngày ấy Xí nghiệp Khảo sát thiết kế và Thực nghiệm công trình của chúng tôi mới thành lập và chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực xây dựng cầu, đường. Tuy vậy, bản thân tôi chuyên về kết cấu xây dựng, kể cả kết cấu các công trình dân dụng, công trình công cộng… và chúng tôi lại có quan hệ rất mật thiết với Xí nghiệp Quyết Thắng của “Vua Đê” ở Nam Định chuyên thi công tàu thuyền và các công trình nhà cửa bằng xi măng lưới thép. Cho nên chúng tôi đã nhận lời.

Việc đầu tiên là cùng anh Thông, phó Vụ trưởng vụ Kế hoạch và anh Lai, Kiến trúc sư của TCTDTT đi lên Điện Biên để bàn bạc, thống nhất những nét chính về qui mô, hình thức… của sân vận động này với lãnh đạo huyện Điện Biên và các cơ quan hữu quan của tỉnh Lai Châu. Đó cũng là chuyến đi lên Tây Bắc đầu tiên trong đời của tôi, mà sẽ được đi đến tận Điên Biên Phủ. Háo hức, tò mò, mong đợi … khi mà từ bao năm, những con đường, những địa danh, những miền đất lịch sử hào hùng … đã in đậm trong ký ức của chúng tôi qua sách báo, qua phim ảnh, qua các tác phẩm văn học, thi ca… mà giờ đây sẽ được trải nghiệm.

Mấy anh em chúng tôi được huyện Điên Biên đưa xe về Hà Nội đón. Một chiếc xe U Oát mới cứng. Ngày ấy đi công tác bằng xe U Oát, loại xe chỉ có lãnh đạo cấp tỉnh trở lên mới có tiêu chuẩn sử dụng, còn oách hơn cả ngồi Toyota Land Cruiser (xuyên lục địa) bây giờ. Thế mà huyện Điện Biên có cả xe U Oát mới xuống tận Hà Nội đón chúng tôi. Xin được bật mí về chiếc xe này trong phần sau của bài viết.

Xuất phát từ Hà Nội lúc mờ sáng, chẳng mấy chốc chúng tôi đã qua cầu tràn của cầu Mai Lĩnh sang phía hữu ngạn sông Đáy. Ngày ấy cầu Mai Lĩnh cũ bị phá hủy trong 9 năm kháng chiến chưa được xây dựng lại. Anh Thông cho chúng tôi biết trong thời kháng chiến 1945 -1954 ấy, từ cầu Mai Lĩnh đến Xuân Mai là vùng đệm, vùng trao đổi hàng hóa giữa Hà Nội tạm chiếm và vùng kháng chiến của ta.

Sang đến phía bên kia cầu Mai Lĩnh, dù cả 2 cuộc kháng chiến đã kết thúc gần chục năm, tôi vẫn có cảm giác Hà Nội đã ở rất xa, chẳng khác gì hồi sinh viên đi sơ tán lên tận vùng rừng núi Lạng Sơn. Hai bên đường nhà cửa thưa thớt, cây cối um tùm, lau lách mọc đầy. Qua khỏi Xuân Mai một lúc đã thấy hai bên đường toàn là núi tiếp núi. Những ngọn núi đá vôi sừng sững, vách đá cheo leo, bí hiểm. Quốc lộ 6 bé nhỏ như lọt thỏm giữa các vách núi, triền núi. Nghe chúng tôi trầm trồ với nhau, cậu lái xe vui tính bảo chúng tôi là phải sau khi đi qua thị xã Hòa Bình thì mới thực sự biết được cảm giác đi lên Tây Bắc là như thế nào.

Quốc lộ 6 trước khi nâng cấp

Đèo Thung Khe trước khi nâng cấp

Dốc Cun là thử thách đầu tiên. Dốc chồng dốc, cua tay áo tiếp cua tay áo kéo dài hơn chục ki lô mét. Tuy độ dốc không lớn nhưng ngày ấy bề rộng mặt đường chỉ hơn 3 mét, hàng chục cua tay áo ôm sát vách núi, một bên là vực sâu hun hút, một bên là cây cối rậm rạp che khuất tầm nhìn. Lên dốc được một đoạn, đã thấy tai bị ù, phải bịt mũi thở mạnh mới nghe được bình thường. Sau khi bò lên đến đỉnh dốc, cậu lái xe đề nghị chúng tôi dừng nghỉ một lúc cho xe nguội máy và cũng là để cho chúng tôi tranh thủ “giải sầu”, hít thở không khí nơi rừng núi, làm một “bi” cho đã. Phải mất hơn một giờ mới qua được dốc Cun nhưng sự phấn khích, tò mò vẫn làm chúng tôi thích thú.

Qua Dốc Cun một lúc là ngã ba Mãn Đức, hai bên đường mía tím được bày bán khá nhiều. Anh Thông cho biết phía trước là chợ Lồ và quay lại hỏi chúng tôi có biết tại sao lại gọi là dốc Cun rồi chợ Lồ không? Chúng tôi đều lắc đầu và háo hức chờ nghe anh giải thích.

Anh Thông cười và kể, ngày xưa đồng bào trên này vẫn gọi cái dốc này là “dốc Cu”, có hai chữ cái thôi, còn cái chợ thì được viết bằng những ba chữ cái cơ. Khi cái cán bộ Việt Minh lên đây dạy đồng bào cái chữ bèn bảo đồng bào là cái tên dốc, tên chợ ấy nghe không được đâu, xấu lắm. Cái cán bộ mới lấy cái chữ cái thứ ba của tên chợ đem ghép vào cho cái tên của dốc. Thế là tên chợ chỉ còn hai chữ cái, tên dốc mới có ba chữ cái đấy. Cả bọn trên xe cười phá lên, quên cả đèo dốc.

Dốc Cun

Chợ Lồ

(Mời bạn đọc đón đọc tiếp phần 2: Vượt đèo Thung Khe)

Xin cảm ơn!

PGS. TS. TỐNG TRẦN TÙNG – Tổ trưởng tổ cố vấn kỹ thuật của Bộ trưởng Bộ GTVT

Đã gửi đến chúng tôi bài viết này!

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *