LÊN TÂY BẮC XÂY DỰNG SÂN VẬN ĐỘNG ĐIỆN BIÊN NGÀY ẤY – PHẦN 5: CHUYẾN ĐI THỨ BA VÀ TRỞ THÀNH CHỈ HUY TRƯỞNG CÔNG TRƯỜNG DUY NHẤT TRONG ĐỜI LÀM NGHỀ

Đó là vào khoảng đầu tháng 2 năm 1984. 

Vừa nghỉ Tết xong thì UBND huyện Điện Biên gửi công điện khẩn yêu cầu chúng tôi phải lên ngay Điện Biên để giám sát quyền tác giả và phối hợp với đơn vị thi công khán đài sân vận động là Hợp tác xã Quyết Thắng nhằm giải quyết vấn đề thi công hệ khung bê tông cốt thép của tòa nhà hai tầng cùng mái che khán đài. Ngày ấy Hợp tác xã tàu thuyền Quyết Thắng là đơn vị có kinh nghiệm nhất của ngành Giao thông trong lĩnh vực thi công các loại kết cấu xi măng lưới thép như tàu, thuyền, cầu phao, mái vỏ mỏng … Thế nhưng, lúc này họ lại đang thi công phần khung nhà bằng bê tông cốt thép của tòa nhà khán đài theo cách thi công … tàu thuyền. Các hệ khung dầm sau khi dựng lắp cốt thép chịu lực lại được họ bọc bằng một lớp lưới thép dệt ô vuông 10mm x10mm từ các sợi thép 1mm rồi trát kín vữa xi măng để thay thế … ván khuôn. Khi đổ bê tông thì lớp vữa trát này bị vỡ nhiều chỗ làm chảy hỗn hợp vữa xi măng và cốt liệu nhỏ ra ngoài, nhất là khi đưa đầm dùi vào để đầm chặt bê tông. Các cán bộ kỹ thuật tham gia xây dựng các công trình lân cận như Bệnh viện, nhà Bảo tàng, … đã bắt đầu lên tiếng về biện pháp thi công không giống ai này của Quyết Thắng. Vì thế nên huyện Điện Biên đã yêu cầu chúng tôi lên để giải quyết. 

Đợt này chỉ có tôi và anh Nguyễn Viết Trung. Lên đến Điện Biên dù đã khá muộn, chưa kịp ăn tối nhưng chúng tôi đã sang làm việc ngay với anh Hợp, chỉ huy trưởng của đơn vị thi công khán đài sân vận động. Tôi yêu cầu phải dừng ngay việc thi công kiểu này và phải dựng đà giáo, ván khuôn để thi công đúng như các yêu cầu đã ghi trong hồ sơ thiết kế. Thế nhưng anh Hợp cho biết nếu thay đổi biện pháp thi công phải được sự đồng ý của “vua Đê”. Tôi quay về nhà khách và dù đi đường khá mệt nhưng đêm ấy vẫn loay hoay tìm cách giải quyết mà vẫn chưa nghĩ ra.

Sáng sớm hôm sau, tôi cùng anh Trung đi ra công trường. Nhìn mấy cây cột đang đổ bê tông bị chủ đầu tư đình chỉ thi công, tôi vừa bực với cách làm bảo thủ của đội ngũ quan quân trung thành với vị “Vua không ngai vàng” như một nhà văn đã đặt tên cho cuốn tiểu thuyết của mình, lại vừa cảm thấy buồn cười. Đang nghĩ cách làm thế nào thuyết phục được anh Hợp thì anh Trung với nét mặt đầy lo âu hớt hải chạy đến nói với tôi là gay rồi, anh Lã Dũng học cùng khóa với anh ấy, lúc đó là thư ký của Thứ trưởng Bùi Danh Lưu, cho biết Thứ trưởng vừa lên kiểm tra tiến độ, chất lượng các công trình xây dựng của ngành để chuẩn bị cho lễ kỷ niệm 30 năm chiến thắng Điện Biên Phủ và đang trên đường đến kiểm tra công trình sân vận động này (lúc này trường Đại học Giao thông Sắt Bộ của chúng tôi đang trực thuộc bộ GTVT). Nghe vậy tôi cũng thấy lo.

Thế nhưng khi Thứ trưởng Bùi Danh Lưu cùng một số cán bộ của bộ GTVT và của địa phương đến công trường, anh đã tiến đến thân mật bắt tay chúng tôi với một nụ cười rất cởi mở. Cái bắt tay và nụ cười của anh đã làm tôi tự tin hẳn lên. Tôi bình tĩnh báo cáo vắn tắt với anh về công trình, về những vấn đề vướng mắc kỹ thuật thi công của Quyết Thắng cũng như nguy cơ về tiến độ. Tôi còn mạnh dạn đề nghị anh cùng với anh Tuyến chủ tịch huyện Điện Biên tổ chức một cuộc họp ngay để bàn cách giải quyết. Thế là ngay tối hôm đó, anh đã triệu tập cuộc họp tại trụ sở của công ty đường bộ số 2 gồm các bên liên quan. Sau khi nghe các bên và tôi trình bày, anh đã bảo anh Dũng thư ký điện ngay cho “Vua Đê” yêu cầu anh Đê lập tức lên Điện Biên để cùng anh Hợp giải quyết vấn đề kỹ thuật và tiến độ của công trình khán đài sân vận động. Anh cũng chấp nhận đề nghị của anh Tuyến chủ tịch huyện, giao cho tôi thực hiện nhiệm vụ chỉ huy trưởng công trường xây dựng khán đài sân vận động Điện Biên cho đến khi kết thúc giai đoạn xây thô trước ngày 15 tháng 3. 

Hai hôm sau cuộc họp nói trên, anh Vũ Đình Đê đi chiếc Falcon sang chảnh vừa bò đến sân nhà khách của huyện đã cau có ngay với tôi. Anh ấy bảo đại ý là anh ấy đối xử với tôi lúc nào cũng như bát nước đầy mà sao hôm nay lại bắt anh phải lặn lội từ Nam Định lên đây. Tuy vậy, khi nghe tôi trình bày và hiểu ra vấn đề, anh Đê lại cười rất to và lệnh cho anh Hợp phải thực hiện những gì chúng tôi yêu cầu. 

Tham gia thi công các hạng mục xây dựng khác của sân vận động Điện Biên ngày ấy như cải tạo mặt sân, xây dựng đường pitch quanh sân, đúc các bậc ngồi bằng bê tông cốt thép, xây các cổng ra vào … còn có Xí nghiệp xây dựng Điện Biên do anh Ái làm Giám đốc. Ban quản lý xây dựng do anh Chính là Kiến trúc sư làm Trưởng ban cũng trực tiếp phụ trách lực lượng dân công được huy động từ các bản làng lo việc chế tạo các cấu kiện bậc ngồi bằng bê tông cốt thép đúc sẵn. 

Và một sự cố kỹ thuật đáng tiếc đã xảy ra. Khi các cấu kiện bê tông cốt thép hình chữ L đúc sẵn được nâng lên để ghép thành bậc ngồi của khán giả thì chúng bị nứt gãy, phần bê tông bị bong khỏi cốt thép rơi xuống vỡ vụn. Chúng tôi được mời đến cùng các bên chức năng liên quan xem xét xác định nguyên nhân. Sau khi cùng đi thăm hiện trường và nghe báo cáo, chúng tôi khẳng định ngay nguyên nhân là do công tác bảo dưỡng bê tông đã không được thực hiện đúng theo yêu cầu, cụ thể không có bao tải hoặc cát giữ ẩm phủ lên, việc tưới nước bảo dưỡng được thực hiên không đúng qui định trong khi những ngày ở Tây Bắc hồi đó đã bắt đầu nắng và gió khá mạnh. Các anh bộ đội biên phòng ở cửa khẩu Tây Trang gần đó đã cảnh báo khi chúng tôi đến thăm là gió ở Điện Biên còn nóng rát hơn gió Lào quê tôi, rằng hãy cẩn thận với “Ruồi vàng, bọ chó, nắng gió Tây Trang”. Thế là một loạt các bậc ngồi đúc sẵng phải được chế tạo lại.

Còn một chuyện khác hú vía nữa tuy không để lại hậu quả gì vì được phát hiện kịp thời. Cũng may là lúc chuẩn bị đổ bê tông dầm đỡ và bản chiếu nghỉ cầu thang chúng tôi có mặt. Tôi giật mình khi thấy các thanh cốt thép phân bố theo phương chịu kéo uốn của bản hẫng chiếu nghỉ có đường kính lên đến 16mm với khoảng cách 100mm nhưng chỉ uốn móc neo hai đầu mà không được neo vào cột và dầm chủ. Bố trí cốt thép như vậy là quá thừa nhưng sai vì chỉ cần tháo ván khuôn là phần bản hẫng sẽ gãy gục xuống ngay. Tôi càng hoảng hơn vì bản vẽ thiết kế của chúng tôi đã được nhóm can vẽ thể hiện y như đã bố trí và người kiểm tra và cả người ký duyệt cũng không phát hiện ra. Cũng may là khối lượng thép này không đáng kể và anh Hợp thông cảm với chúng tôi đã cho thay thế các cốt thép này với đường kính chỉ cần 10mm, khoảng cách 150 mm nhưng tất cả được neo đủ chiều dài neo vào cột và dầm chủ.

Cuối cùng, sau gần ba tháng, tôi đã hoàn thành chức trách chỉ huy trưởng công trường lần đầu tiên và cũng là duy nhất trong đời làm nghề, thậm chí còn hoàn thành trước thời hạn được mấy ngày (ảnh 1 và 2).

Buổi tối trước ngày rời Điện Biên, anh Ái, Giám đốc Công ty Xây dựng Điện Biên và anh Chính, Trưởng ban Xây dựng của huyện đã tổ chức một buổi liên hoan thân mật tiễn biệt chúng tôi rất cảm động. Tối hôm đó có mặt rất nhiều các vị Lãnh đạo của huyện Điện Biên và tỉnh Lai Châu như anh Lò Văn Puốn Bí thư Huyện ủy, anh Tuyến Chủ tịch huyện, anh Hiển Giám đốc sở Văn hóa Lai Châu … 

Tôi không bao giờ quên được món quà mà ngày ấy tôi nhờ anh Ái giám đốc xí nghiệp xây dựng Điện Biên làm cho tôi. Đó là hai cái khung bằng thép. Mỗi khung gồm 2 thanh thép tròn 10 ly, dài 1,8m hàn với các đoạn thép 6 ly, dài 25 cm, chia thành 7 ô như cái thang treo. Anh ấy còn cho người bọc bao tải và buộc cẩn thận 2 cái khung này lên xe để chở chúng cùng chúng tôi về Hà Nội.

Với hai cái khung treo này, tôi đã tạo được cái giá sách khá lớn treo sát vào tường mà không chiếm diện tích cái căn phòng bé xíu của gia đình tôi. Với 2 cái đinh to đóng vào dầm gỗ, treo 2 cái khung thép này lên và gác lên đó các tấm ván gỗ thông tháo từ chiếc hòm gửi tàu biển về mà ai đã từng được đi du học ngày ấy đều có. Thế là đã có được cái giá sách 7 tầng dài gần 2 mét đủ để chứa được số sách mà tôi mang từ Đức về. Cái giá sách đơn sơ đầy kỷ niệm ấy theo suốt cả nhà tôi từ khu Chương Dượng về khu tập thể Trần Khánh Dư, rồi xuống khu tập thể Mai Động, khu tập thể Ký túc xá Đại học Giao thông vận tải … Đáng buồn là chỉ vì hai cái khung thép tròn làm giá sách này mà có người trong khoa đã bóng gió phê phán tôi là lợi dụng xà xẻo vật tư vật liệu của đơn vị thi công để làm “của riêng” cho mình.

Chuyến xuôi về Hà Nội lần này còn có thêm một nhà báo tên là Lưu đi cùng nên rất vui vì anh ấy rất cởi mở và biết rất nhiều chuyện đông tây kim cổ, chuyện thâm cung bí sử và rất hoạt ngôn. Anh tự giới thiệu anh ấy là phóng viên báo Thể thao Văn hóa vừa được được hình thành trên cơ sở tờ Tin mới nhất Espana 82 – tờ tin nhanh đầu tiên của Việt Nam do TTXVN phát hành trong dịp diễn ra Giải vô địch bóng đã thế giới vừa rồi. Mãi về sau tôi vẫn tự hỏi không biết đấy có phải là người mà chúng tôi hay nhắc đến đầy thán phục khi chúng tôi còn là sinh viên năm thứ nhất lớp Xây dựng 64 trường Đại học Bách Khoa Hà Nội. Anh Lê Hùng, cán bộ đi học và mấy đứa người Hà Nội ở lớp tôi như thằng Hùng kính Tôn Đản, thằng Thành Hàng Bột, thằng Lĩnh Cửa Nam, thàng Luyện Nam Ngư … rất hay nghêu ngao mấy bài hát “nhạc vàng” và tôi cũng rất thích nghêu ngao hát theo chúng nó như bài “Sao rơi trên biển”, “Bước chân chiều chủ nhật”, “Hoa trinh nữ”, “Nỗi buồn hoa phượng” … Anh Lê Hùng  và chúng nó đều trầm trồ nể phục một anh sinh viên trên chúng tôi mấy khóa tên là Lưu, con một ông cán bộ cấp cao, đang học ở khoa Toán bên Đaị học Tổng Hợp  là người đã đêm đêm lén nghe đài phát thanh Sài Gòn rồi chép lại cả lời lẫn các nốt nhạc ký xướng âm  các bài hát “nhạc vàng” này đấy, lại còn kháo nhau là anh ấy bị ông bố từ mặt nữa cơ. Rất tiếc là chúng tôi đã không hỏi xem nhà báo đi cùng chúng tôi có phải là cái anh sinh viên tên là Lưu mà hồi năm thứ nhất chúng tôi vẫn trầm trồ kể về anh ấy hay không.

Đúng mười năm sau ngày rời Điện Biên hồi đó, đầu năm 1994, tôi lại có dịp đi công tác cùng Bộ trưởng Bùi Danh Lưu lên Điện Biên và tranh thủ thăm lại công trình Khán đài sân vận động. Chuyện này tôi đã kể trong bài “Giáo sư Bùi Danh Lưu, một người Anh vô cùng đáng kính” đã được in ấn trong tập I cuốn sách “Nhặt nghề góp nghiệp”.

Lại đúng 10 năm tiếp theo, vào dịp chuẩn bị kỷ niệm 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ,  năm 2004, cái năm mà nhiều anh em trong Bộ Giao thông vận tải chúng tôi với Công ty Dịch vụ Vận tải II, với Cục Cảnh sát Giao thông, với các ban ngành liên quan của các tỉnh, thành Nam Định, Hà Nội, Hòa Bình, Sơn La, Lai Châu cùng hợp sức “kéo tượng” lên Điện Biên (xin xem bài tiếp theo) thì sân vận động với khán đài mà chúng tôi đã chung tay xây dựng năm 1994 vẫn là nơi tổ chức sự kiện trọng đại này (ảnh 3, 4). 

Và sáu năm sau, năm 2010, Đại hội Thể dục Thể thao tỉnh Điện Biên lần thứ VIII vẫn được tổ chức tại sân vận động với khán đài có mái hắt bằng xi măng lưới thép này (ảnh 5).

Thế nhưng, để chuẩn bị Lễ kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (07-05-2014), Khán đài có mái che bằng kết cấu xi măng lưới thép tấm mỏng trong ba mươi năm từng đón nhận và chứng kiến các buổi lễ long trọng và hào hùng kỷ niệm Ba mươi năm, Bốn mươi năm và Năm mươi năm Chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, các kỳ Đại hội Thể dục Thể thao … đã bị tháo dỡ để thay thế bằng kết cấu dàn mái không gian bằng thép (ảnh 6,7).

Tương tự, nhiều cây cầu bê tông như các cây cầu vòm vành lược ở QL80, 90, 91… đã bị dỡ bỏ để xây mới vào năm 2012 (ảnh 8,9). Và cây cầu Tràng Thưa trên QL 38B ở Hải Dương, niềm tự hào của những kỹ sư cầu Việt Nam vào những năm chiến tranh phá hoại trước 1975 đã áp dụng thành công kết cấu bê tông dự ứng lực cũng đã bị thay thế vào những năm chín mươi và đến năm 2015 lại bị khai tử và xây mới (ảnh10,11). Cũng giống như hàng loạt ngôi nhà lắp ghép bằng các tấm tường bê tông cốt thép đúc sẵn … nay lại thêm một công trình bê tông cốt thép đổ tại chỗ có mái đua bằng xi măng lưới thép đã bi đập bỏ và thay thế bằng dàn mái không gian bằng thép. Trong khi đó, mái vòm sảnh chính ga Đồng Đăng (ảnh 12) do chúng tôi thiết kế bằng mái vỏ mỏng xi măng lưới thép, tương tự như mái khán đài sân vận động Điện Biên, được xây dựng từ năm 1991 đến nay đã hơn ba mươi năm vẫn tồn tại.

Điều làm tôi trăn trở là các công trình bị phá dỡ để xây dựng mới kể trên đều sử dụng kết cấu bê tông, mới khai thác … được một phần tuổi thọ thiết kế của chúng đều bị khai tử để làm mới. Vậy đâu là nguyên nhân của sự lãng phí này?

  Ảnh 1 &2. Khán đài mái xi măng lưới thép tấm mỏng được xây dựng tháng 4 năm 1994

Ảnh 3 & 4. Diễu hành 50 năm chiến thắng Điện Biên 7/4/2004 (st)

 Ảnh 5. Đại hội TDTT tỉnh Điện Biên lần thứ VIII năm 2010 (st)

 Ảnh 6 & 7. Đại hội TDTT Điện Biên năm 2018, mái khán đài được thay bằng kết cấu dàn thép không gian (st)

Ảnh 8&9 Cầu Đường Xuồng trên QL80 xây dựng năm 1926 đã bị phá dỡ thay thế bằng cầu khác

Ảnh 10&11. Cầu Tràng Thưa kết cấu BTDƯL trên QL 38B xây dựng năm 1972, xây lại 1990 và khởi công xây mới năm 2015 (st)

Ảnh 12&13. Mái vòm kết cấu Xi măng lưới thép của sảnh chính ga Đồng Đăng xây dựng lại năm 1991

Xin cảm ơn!

PGS. TS. TỐNG TRẦN TÙNG – Tổ trưởng tổ cố vấn kỹ thuật của Bộ trưởng Bộ GTVT

Đã gửi đến chúng tôi bài viết này!