LÊN TÂY BẮC XÂY DỰNG SÂN VẬN ĐỘNG ĐIỆN BIÊN NGÀY ẤY – PHẦN 4: KHUNG CẢNH ĐIỆN BIÊN NGÀY ẤY

Chiều muộn chúng tôi về đến thị xã Điện Biên. Anh Tuyến người Hải Phòng, cựu chiến binh tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ, Chủ tịch huyện đón tiếp chúng tôi rất nhiệt tình và bố trí lịch sẽ đưa chúng tôi đi thăm hiện trường vào sáng hôm sau và và buổi chiều sẽ họp với chúng tôi. Anh đích thân dẫn chúng tôi sang nhà khách ở ngay bên cạnh, bảo chúng tôi thay quần áo, tắm rửa, chốc nữa sẽ ăn tối ngay tại nhà ăn của nhà khách cùng với anh ấy. Bác Đạt phụ trách nấu ăn của nhà khách đến chào chúng tôi, niềm nở hỏi thăm chúng tôi rồi đi ngay xuống bếp chuẩn bị bữa tối. Chúng tôi có cảm giác cứ như được về nhà sau 2 ngày đi đường khá mệt nhưng đầy những trải nghiệm không dễ gì có được.

Đến tận bây giờ tôi vẫn nhớ bữa ăn tối cùng anh Tuyến, Chủ tịch huyện Điên Biên hôm đó. Cơm trắng nấu bằng gạo bao thai trồng trên nương, măng đắng chấm muối vừng, thịt lợn nướng, canh cải mèo… và rượu.

Trước khi ăn, anh Tuyến tranh thủ giới thiệu với chúng tôi các món ăn đặc biệt của người Thái. Anh chỉ vào mấy cái đĩa đựng một thứ hỗn hợp sền sệt, đen đen và cho biết đây là món ăn đặc trưng nhất của người Thái. Đó là “nậm pịa”. Cái món này trông hơi giống món “spinat nghiền” của chàng thủy thủ Popye mà bọn chúng tôi hồi mới sang làm nghiên cứu sinh ở Cộng hòa Dân chủ Đức khi nhìn thấy đứa nào cũng không dám đụng đến. Tóm lại là không được “bắt mắt” chút nào. 

Anh Tuyến cho biết nguyên liệu chính để làm ra món “nậm pịa”“pịa”. Đó là thứ dịch sền sệt trong ruột non của bò, trâu, dê…, có người còn gọi nó là “phân non” làm chúng tôi đều nhăn mặt. Thế nhưng, đó là phần tinh túy nhất của “nậm pịa”, có vị hơi đắng, hơi hăng hăng của mật. “Nậm pịa” của con vật nào thì các thứ còn lại để nấu “nậm pịa” như thịt, tiết đông, sụn, đuôi, bạc nhạc, nội tạng… đều phải của con vật đó. Các nguyên liệu trên được ninh nhừ cùng với “pịa” và các loại gia vị như mùi tàu (ngò gai), tỏi, ớt, bột mắc khén… trong nồi nước xương được ninh trước đó thành hỗn hợp sền sệt. 

Nghe anh Tuyến giới thiệu, tôi mới hiểu màu đen là do tiết đông còn mùi hăng là mùi của “pịa”. “Nậm pịa” được bày tối hôm đó là để chấm món thịt nướng. Thế nhưng trừ anh Thông, mấy đứa chúng tôi vẫn không có đứa nào dám “đụng đũa”. Riêng món măng đắng chấm nuối vừng thì lạ miệng nhưng càng ăn càng thấy ngon. Tôi còn nhớ bác Đạt dặn chúng tôi khi ăn măng đắng phải bắt đầu từ phía ngọn. Như thế thì lúc đầu có vị đắng và sau đó ngọt dần khi ăn đến gốc, còn nếu ăn ngược từ gốc thì càng ăn càng đắng. 

Anh Tuyến nâng cốc mở đầu bữa tối với chúng tôi. Cùng dự bữa cơm tối hôm đó còn có anh Hiển, Giám đốc sở Văn hóa Lai Châu, anh Chính, Kiến trúc sư, Trưởng phòng Xây dựng huyện Điện Biên, anh Ái, Giám đốc công ty xây dựng Điện Biên… Tôi thấy sau khi nâng và chạm chén rượu đầu tiên với mọi người, anh ấy nghiêng chén, đổ một chút rượu xuống đất về phía bên trái và giải thích với chúng tôi đó là phong tục uống rượu của người Thái. Đổ rượu xuống đất là để mời thổ công thổ địa và con ma nhà mình cùng uống. 

Tôi không biết uống rượu nên hồi sơ tán ở Lạng Sơn, khi được mời uống rượu bằng thìa sứ liên tục chuyền vòng quanh mâm, tôi đã nghĩ ra cách sau khi uống hết thìa rượu thì chưa nuốt mà vẫn ngậm trong miệng, thừa lúc mọi người không để ý giả vờ nâng vai sát miệng như kiểu gãi cằm (lấy cớ hai tay đang phải cầm bát đũa) rồi nhổ rượu vào áo. Ngồi trên sân của nhà sàn, trời tối nên không ai nhận ra là 2 vai áo của tôi ướt đẫm cả hai bên.

Bữa tối cứ thế diễn ra đến khuya, rượu cứ rót, chén cứ nâng, bắt tay nhau rồi lại rót, lại uống. Có ai đó còn bảo, rượu Tây Bắc, rượu Điện Biên cũng như nước suối của vùng này, không lo hết rượu! Hai vai áo của tôi đã ướt sũng nhưng mọi người mải vui nên không ai nhận ra.

Cũng đã khá khuya. Tôi nhận thấy anh Nguyễn Viết Trung có vẻ rất mệt nên xin phép mọi người đưa anh ấy về phòng trước. Vừa ngồi xuống mép giường anh ấy đã gục xuống và nôn thốc nôn tháo. Tôi đỡ anh ấy nằm xuống và rót cho anh ấy một cốc nước nóng, xong tìm cách dọn sạch sàn nhà. Anh ấy hỏi tôi sao ông uống nhiều thế mà không say nhỉ. Tôi cười và chỉ vào 2 vạt áo ướt sủng rượu của tôi.

Sáng hôm sau, ăn sáng xong chúng tôi cùng ra khảo sát hiện trạng của sân vận động. Nó nằm ở ngay ở phía sau nhà khách chỉ khoảng 10 phút đi bộ. Và ngay sát tường sau lưng nhà khách là một vườn trồng thuốc phiện xen cải Mèo đang nở hoa đủ các màu tím, đỏ, trắng. Lần đầu tiên trong đời được nhìn thấy tận mắt hoa thuốc phiện nên ai cũng tấm tắc, trầm trồ.

Cuộc họp buổi chiều hôm đó diễn ra khá sôi nổi. Chúng tôi trình bày các bản vẽ thiết kế sơ bộ mặt bằng của sân sau khi cải tạo nâng cấp và đặc biệt là bản vẽ mặt chính, mắt cắt ngang và phối cảnh của khán đài chính cùng ngôi nhà 2 tầng phía sau khán đài. Nói chung, cả các anh bên Tổng cục TDTT và các anh ở địa phương đều thống nhất với phương án sơ bộ của chúng tôi. Tuy vậy, mọi người đều băn khoăn là với độ vươn đến 7 m của phần khán đài chính dài 30m mà làm bằng bê tông cốt thép và xi măng lưới thép liệu có đảm bảo an toàn với gió, bão và nhất là động đất không.

Chúng tôi trình bày với mọi người những nét chính về tính toán, cấu tạo để kiểm soát quá trình khai thác của khán đài chính dưới tác động, nhất là gió bão và động đất để mọi người an tâm. Riêng phần thi công tôi đề nghị Lai Châu và Điện Biên mời đích danh xí nghiệp Quyết Thắng ở Nam Trực, Nam Định lên thi công phần nhà 2 tầng và mái đua của khán đài chính, còn Xí nghiệp xây dựng Điện Biên của anh Ái thi công phần bậc ngồi còn lại xung quanh sân…

Chuyến đi đã thành công ngoài mong đợi. Chúng tôi có 3 tháng để vừa tiến hành công tác khảo sát, thiết kế kỹ thuật và bước bản vẽ thi công (còn nữa).

PHẦN 2. ĐƯỜNG VỀ VÀ CHUYẾN ĐI THỨ HAI 

Ngày hôm sau, chúng tôi rời Điện Biên từ sáng sớm sau khi đã chén no xôi và thịt rang của bác Đạt. Anh Tuyến còn giao chú lái xe chất vào xe mấy túi gạo bao thai làm quà và dặn nhớ giữ cái giấy của huyện cẩn thận đề còn xuất trình khi qua trạm kiểm soát. Anh ấy cho chúng tôi biết không chỉ thuốc phiện mà gạo, gỗ lát … cũng là mặt hàng cấm lưu thông, được các trạm kiểm soát Tuần Giáo, trạm cây số 20… kiểm tra rất ngặt nghèo. 

Xe chúng tôi lại băng qua đèo Tằng Quái, Pha Đin. Ngay trên đỉnh đèo Pha Đin, chúng tôi bắt gặp bà con đang bán đào Mèo. Những quả đào màu xanh to bằng nắm tay trông rất hấp dẫn. Cậu lái xe cho chúng tôi biết đào Mèo đang xanh hơi chua, nhưng thơm và giòn tự nhiên, tuy vậy rất ít khi tìm mua được chúng.  Cậu ta còn cho biết đào Mèo sở dĩ hiếm khi tới tay của người dưới xuôi do nó chỉ ăn được khi chín trên cây hoặc khi chưa chín. Lìa cành chừng hai ngày, trái đào mềm đi thì dễ có sâu bên trong. Chúng tôi quyết định dừng xe và mỗi người mua hẳn … một sọt đào, mỗi sọt khoảng một chục cân.

 Xe lạo bon bon qua Chiềng Pấc, Cò Nòi, Sơn La, Chiềng Đông … và mãi tối mịt về đến tận Yên Châu mới được nghỉ. Nước mã hồi nên hình như xe đi nhanh hơn. Vả lại hành trình và thời gian thì chỉ có chú lái xe với anh Thông quyết định. 

Thị trấn Yên Châu ngày ấy còn khá thưa thớt, nhà khách của huyện không nằm ven quốc lộ 6 mà ở tít trong một cái bản có đường ô tô đi vào. Khoảng quá nửa đêm bỗng thấy có người gọi chú lái xe dậy đưa người trong bản đi cấp cứu. Sáng hôm sau, chú ấy cho biết bệnh nhân cần đưa đi cấp cứu trong đêm chỉ là một sản phụ chuyển dạ mà thôi. 

Rời khỏi nhà khách, anh Thông mới bật mí cho chúng tôi biết là sẽ được đi chợ Yên Châu họp vào buổi sáng sớm ngay sát quốc lộ 6. Và tất cả ồ lên khi nhìn thấy 2 bên đường cơ man nào là chuối đang được bày bán. Mà bán cả buồng chứ không bán từng nải. Anh Thông cho biết chuối ở Yên Châu rất ngon và rất rẻ, toàn là chuối Tây, còn gọi là chuối Sứ, chuối Mốc. Anh ấy khuyên chúng tôi nên mua lấy mỗi người vài … buồng. Chúng tôi còn đang lưỡng lự làm sao đủ chỗ để chất lên xe thì chú lái xe nhiệt tình khẳng định là chú ấy sẽ xếp và chằng buộc được cho chúng tôi. Thế là gần chục buồng chuối nhanh chóng được xếp lên xe. Sau này tôi mới biết chuối Tây là đặc sản của Yên Châu. Và ngày nay, cùng với xoài ngon, chuối ngọt Yên Châu đã được Cục sở hữu trí tuệ cấp chứng nhận nhãn hiệu vào năm 2019.

Lên xe với đào Mèo Pha Đin, chuối Yên Châu, lại còn gạo Bao thai làm quà của huyện nữa, chuyện bắt đầu nở như ngô rang. Gạo Bao thai vừa xay xát ngay sau khi gặt trên nương về ngày ấy đối với những người đang có con nhỏ là một món quà vô giá. Còn đào Mèo quả to như thế này thì chúng tôi chưa từng nhìn thấy. Lại còn những buồng chuối Tây béo múp nữa chứ. 

Viết đến đây tôi lại nhớ đến hình ảnh mấy quả chuối Tiêu chín vàng để trong một cái đĩa sứ cạnh mâm cơm tại nhà một anh bạn quen ở phố Quang Trung ngày ấy. Lúc đó tôi cứ nghĩ sao vẫn có những người sống sung sướng đến thế, mặc dầu tôi vừa từ Cộng hòa dân chủ Đức về nước. Tôi lại nhớ đến ngày ấy chú Thụ nằm điều trị ở viện quân y 108. Trước khi qua đời mấy hôm, chú bảo tôi là chú thèm được ăn cam. Tôi phóng xe đi hết từ chợ Đồng Xuân, chợ Hàng Da đến chợ Hôm, chợ Mơ… mà vẫn không mua được cam cho chú ấy. 

Thế mà từ Yên Châu về, tôi có những …2 buồng chuối ngự to đùng và một sọt đào Mèo tươi ngon. Lại nghĩ đến những tháng ngày còn ở nhà cùng mẹ kiếm sống bằng nghề dú chuối (rấm chuối xanh để có chuối chín đem bán). Cứ vào ngày lẻ theo lịch âm, sáng sớm cùng mẹ ra ngõ đón mua chuối xanh, đem dú cho chín rồi mang ra chợ Gôi bán. Dú chuối rất đơn giản. Chỉ cần lấy một nhúm nhỏ vải vụn buộc túm lại, đốt lên cho bốc khói rồi cho vào chum, vại… đã xếp sẵn các nải chuối xanh, xong dùng vải nhựa bịt thật kín. Mùa hè thì chỉ sau vài hôm, còn mùa đông thì khoảng dăm ba hôm là chuối chín đều. 

Tối muộn, xe mới về đến Hà Nội và tôi là người cuối cùng còn lại trên xe. Thế nhưng đến cuối đường Trần Nguyên Hãn để băng qua đê sang đường Chương Dương Độ về nhà tôi thì xe phải dừng lại vì lối đi băng qua đê đã bị bịt kín bằng các cột bê tông cùng đất đắp. Khu tập thể Chương Dương gồm những ngôi nhà gỗ hai tầng được xây dựng từ những ngày mới tiêp quản Thủ đô năm 1954 nằm ngoài đê sông Hồng, hôm ấy đã bị ngập lụt.

Vác hai buồng chuối cùng sọt đào Mèo và bao gạo, tôi và cậu lái xe loay hoay xắn quần bì bõm lội nước đi vào. Cái phòng ở có diện tích chưa đầy 10 mét vuông của gia đình tôi đã bị ngập gần nửa mét và cả nhà đã được anh em trong khoa Công trình của trường tôi đến giúp di chuyển lên tầng 2 ở tạm trong các phòng ở tập thể của sinh viên trường Đại học Quân y. Khi tôi và chú lái xe vác chuối, đào Mèo và gạo lên, cả nhà đề reo ầm lên, nhất là cậu con trai mới 2 tuổi. Dù không có điện nhưng lũ trẻ vẫn rất vui sướng đón bố và vồ lấy mấy cuốn sách mà tôi mua được ở hiệu sách trên Điện Biên. 

Ngày ấy việc lùng mua được sách hay nói chung và sách của nhà xuất bản Kim Đồng nói riêng trong mấy hiệu sách ở Hà Nội là rất khó, trừ số sách mà bác Tống Trần Lâm của chúng sinh thời là biên tập viên ở Nhà xuất bản Kim Đồng vẫn thường mang đến tặng chúng. Vì thế, mỗi lần đi dạy ở các lớp Tại chức hay đi công tác ở các địa phương tôi luôn tìm đến các hiệu sách và bao giờ cũng tìm mua được những cuốn sách mà ở Hà Nội không tìm được để mang về cho các con.

Sáng hôm sau, tôi chọn ngay một chục quả đào Mèo Pha Đin thật đẹp mang đến biếu một người mà tôi vô cùng ngưỡng mộ. Mấy năm về trước tôi đã từng được gặp bác ấy tại Khách sạn Elephant ở thành phố Weimar, CHDC Đức và sau đó ở cả ở nhà riêng của bác ấy. Xin được kể về nguyên do câu chuyện này vào một dịp khác.

Vài ngày sau đó, khi khu Chương Dương đã hết ngập lụt và chuối đã chín, hai cô con gái bé nhỏ đã mang mấy nải chuối ra ngồi bán ở hè đường dẫn xuống phà Chương Dương. Chúng còn tỏ vẻ rất sung sướng, mãn nguyện và ríu rít khoe là chúng đã làm được công việc mà bà nội của chúng vẫn thường làm ở quê đấy.

Tháng 9/1983, sau khi hoàn thành việc tính toán, thiết kế và lên đủ các bản vẽ, chúng tôi quay lên Điện Biên để thuyết trình và hoàn thiện hồ sơ nộp cho chủ đầu tư. Lại một chuyến đi Tây Bắc đầy trải nghiệm. Tháng 9 với Tây Bắc, với cao nguyên Mộc Châu, với ruộng bậc thang vàng rực, óng mượt lúa chín, với những mái nhà sàn, những bản làng lấp ló và núi rừng hùng vĩ lẩn khuất trong mây mờ tạo thành quang cảnh thiên nhiên hết sức ấn tượng. Không chỉ là những dải lụa vàng óng màu lúa chín mà Tây Bắc mùa thu chớm se lạnh còn để lại trong lòng du khách những xúc cảm về cuộc sống rất đỗi mộc mạc của vùng cao. Đó là nụ cười trong trẻo của những đứa trẻ, là ánh mắt hiền hậu của các cụ già và niềm vui ngày mùa lấp lánh trên gương mặt những bà mẹ trẻ. 

Chuyến đi lần này còn có thêm chàng kỹ sư trẻ Trần Đức Nhiệm, giảng viên của bộ môn Cầu, người thuộc rất nhiều bài hát … chế. Chúng tôi nhớ nhất là lời chế các ca khúc “Giải phóng Điện Biên” của nhạc sĩ Đỗ Nhuận, “Nổi trống lên rừng núi ơi” của nhạc sĩ Hoàng Vân, trong đó có những đoạn: “… Bộ đội ta ăn chán ăn chê còn thừa đút túi mang về biếu Ban chỉ huy …” hay “Ngày mai em vừa tròn hai mươi tuổi. Ông lão nhà bên sang đặt vấn đề, điếu đóm tinh tươm ông đi tìm đối tượng, tuy đã ngoài sáu mươi nhưng vẫn còn … xinh trai …”.

Tại nhà khách Điện Biên với vài dãy nhà cấp 4 đơn sơ nằm ven sườn núi vào những ngày tháng 9 năm 1983 ấy chúng tôi còn được gặp gỡ rất nhiều nhân vật nổi tiếng. Đó là cụ Hoàng Quốc Việt đã gần 80 tuổi vẫn mấy ngày đêm vượt núi vượt đèo lặn lội từ Hà Nội lên thăm Điện Biên. Tiếp đó là Đại tướng Hoàng Văn Thái, Tổng Tham mưu trưởng đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam, từng được giao kiêm nhiệm Tham mưu trưởng chiến dịch Điện Biên Phủ với mật danh là Trần Đình… Cả dẫy nhà khách chỉ có một cái máng tiểu xây gạch có tường bao, không mái che nằm ven sườn núi phía sau nhà khách. Mỗi lần Đại tướng phải đi giải sầu luôn có 2 sĩ quan cấp úy đứng bảo vệ hai bên lối vào cái máng tiểu đó.

Trong các vị khách lên thăm và công tác ở Điện Biên hồi đó, người cởi mở chuyện trò với chúng tôi nhất là anh Trần Tiến Đức, lúc bấy giờ công tác ở Ban Thời sự đài Truyền hình Việt Nam. Anh ấy là con trai của Bác sĩ Trần Duy Hưng, vị Chủ tịch đầu tiên của Thành phố Hà Nội. Anh ấy từng sang học ngành Luyện kim ở Liên Xô, mùa hè năm 1964 về nước học nghị quyết 9 rồi không quay lại nữa. Ngày ấy anh Đức lên Điện Biên làm phim tài liệu. Anh chia sẻ với chúng tôi những kỷ niệm đáng nhớ như tham dự trực tiếp truyền hình với tín hiệu lấy từ Đài Hoa Sen buổi Lễ ký kết Văn kiện Hợp tác giữa hai nước nhân chuyến đi thăm Liên Xô của Tổng Bí thư Lê Duẩn, về chuyến công tác đặc biệt tại Liên Xô vào năm 1980 để thực hiện đưa tin về chuyến bay của 2 nhà du hành vũ trụ Liên xô và Việt Nam là Gorbatko và Phạm Tuân. Anh đã trực tiếp đề nghị phía Liên Xô cho lập studio Hà Nội ngay tại trụ sở Đài truyền hình Ostankino nổi tiếng của bạn. Ngày ấy anh là người phụ trách nội dung, đạo diễn của phía Việt Nam, và cũng là người dẫn chương trình cùng với nhà báo Tikhomirov của phía Liên Xô. 

Anh còn vui vẻ kể cho chúng tôi nghe những trải nghiệm thú vị và những rủi ro nhớ đời khi phụ trách các buổi tường thuật các sự kiện quan trọng, nhất là khi đưa hình ảnh các vị lãnh đạo cao cấp lên màn ảnh truyền hình, đặc biệt là khi gặp những vị lãnh đạo rất cẩn trọng và kỹ tính. Ban ngày quay trực tiếp nhưng trước khi đưa lên chương trình thời sự vào buổi tối, có những ngày phải nhịn đói đến giờ phát hình vì phải quay đi quay lại cho đến khi được chấp nhận.

Điều làm chúng tôi ngạc nhiên là chưa thấy Đại tướng Võ Nguyên Giáp lên thăm Điện Biên ngày ấy. Anh Tuyến, Chủ tịch huyện Điện Biên, bật mí với chúng tôi là Đại tướng đã lên Điện Biên một hôm nhưng với tư cách là khách mời của Bộ trưởng bộ Văn hóa và ít người biết đến chuyến đi này của Đại tướng.

(Mời bạn đọc đón đọc tiếp phần thứ 5: Chuyến đi thứ ba và trở thành chỉ huy trưởng công trường duy nhất trong đời làm nghề)

Xin cảm ơn!

PGS. TS. TỐNG TRẦN TÙNG – Tổ trưởng tổ cố vấn kỹ thuật của Bộ trưởng Bộ GTVT

Đã gửi đến chúng tôi bài viết này!