Di sản kiến trúc Bắc Triều Tiên trong mối quan hệ địa – văn hóa vùng Đông Á (Phần 1)

Bắc Triều Tiên, hiện nay còn lưu giữ được nhiều di sản kiến trúc gỗ đặc sắc có niên đại trên dưới 1000 năm. Trong nội dung dưới đây, tôi xin giới thiệu đến quí độc giả những giá trị của các công trình di sản kiến trúc này trong mối quan hệ Địa – Văn hóa vùng Đông Á.

Giá trị lịch sử và niên đại

Văn Miếu Sungkyungkwan (992 SCN) ở cố đô Khai Thành và Chùa Bohyeon (1042 SCN) ở tỉnh Bình An Bắc (Bắc Triều Tiên) là những công trình kiến trúc lịch sử thuộc thời kỳ Koryo của đất nước Triều Tiên. Sự hiện diện của những công trình kiến trúc này là minh chứng sống động cho hiện tượng “Hóa thạch vùng biên” rất đặc biệt đã từng xảy ra trong lịch sử châu Á. Sự nở rộ của văn minh Trung Hoa từ thời nhà Đường (618-907 SCN) đến nhà Tống (960-1279 SCN) đã để lại cho nhân loại những thành tựu rực rỡ trên mọi phương diện, trong đó phải nói đến sự phát triển vượt bậc của kỹ thuật kiến trúc mà ảnh hưởng của nó đã vượt ra khỏi biên giới Trung Hoa để đến với các nước lân bang như Nhật Bản, Triều Tiên và Việt Nam.

Hình 1. Kinh đô Trường An (nhà Đường) – tâm văn minh và vùng ảnh hưởng của nó

Những công trình kiến trúc này là sản phẩm của sự ảnh hưởng trực tiếp văn minh Trung Hoa cổ đại, tâm điểm là kinh đô Trường An (nhà Đường), kinh đô Biện Kinh (Bắc Tống) và kinh đô Lâm An (Nam Tống). Văn minh Trung Hoa cổ đại phát tán ảnh hưởng đến các quốc gia như Nhật Bản, Triều Tiên, Việt Nam và được lưu giữ ở đó cho đến tận ngày nay, trong khi ở tâm điểm văn minh lại không còn lưu giữ được những giá trị này (hình 1).

Kiến trúc Bắc Tống đặc trưng là kỹ thuật Đấu Củng, kiến trúc Nam Tống đặc trưng là kỹ thuật Đại Lương – Cả hai loại này đều hiện diện ở di sản kiến trúc của các quốc gia vùng Đông Á có nhận ảnh hưởng văn minh Trung Hoa thế kỷ 7 đến thế kỷ 13 SCN (hình 2,3,4).

Hình 2. Tòa Đại Đình trước Điện Daewoong – Chùa Bohyeon (Bắc Triều Tiên) – nguồn: Thái Lộc

Hình 3. Nội thất Điện Daewoong (nguồn: Thái Lộc)

Hình 4. “Đấu Củng” và Rui 2 lớp hình rẻ quạt (nguồn: Thái Lộc)

Sự tồn tại của những công trình di sản kiến trúc gỗ có niên đại từ thế kỷ 8 đến thế kỷ 11 vô cùng hiếm hoi. Gỗ là vật liệu hữu cơ dễ bị hủy hoại trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt, thiên tai, chiến tranh và hỏa hoạn, đặc biệt là ở các nước có động đất như Trung Quốc, Nhật Bản và Triều Tiên. Việc duy trì được những công trình di sản kiến trúc bằng gỗ này là nỗ lực phi thường trong việc bảo tồn di sản kiến trúc của những quốc gia sở hữu nó. Nếu so sánh với các di tích đền tháp thời tiền Angkor thế kỷ 11 như Watphou của vương quốc Phounan (Champasak – Laos), các ngôi Tự viện Phật giáo Bagan (hình 5) thế kỷ 11 – 13 (Mandalay – Myanmar), các đền tháp như Angkor Wat (hình 6) thế kỷ 12 – 13 của vương quốc Khmer (Siemreap – Cambodia) chủ yếu bằng gạch đá thì sự tồn tại của những công trình kiến trúc gỗ có niên đại chẳng thua kém gì, thậm chí còn cổ xưa hơn. Đây là bằng chứng cho trình độ công nghệ kiến trúc gỗ thời đó.

Hình 5. Khu di sản kiến trúc Tự viện Phật giáo Bagan (thế kỷ 11-13) ở Mandalay – Myanmar

Hình 6. Khu di sản kiến trúc Đền tháp Angkor Wat (thế kỷ 12-13) ở Siemreap – Cambodia

Giá trị kỹ thuật – công nghệ kiến trúc

Có thể thấy rất rõ sự kết hợp giữa 2 loại kỹ thuật Bắc Tống và Nam Tống ở những công trình di sản kiến trúc Bắc Triều Tiên như Văn Miếu Sungkyungkwan và Chùa Bohyeon. Cùng phong cách với các kiến trúc này, niên đại có thể hơi sớm hơn 1 chút, là kinh đô Nara, hay còn gọi là Bình Thành Cung (710-794) của Nhật Bản, còn bảo tồn được rất nhiều công trình kiến trúc di sản nổi tiếng như Houryuji, Toudaiji, Toshoudaiji (hình 7, 8, 9).

Hình 7. Bình Thành Cung (710-794) của Nhật Bản

Thành Đại La (thời An Nam Đô Hộ Phủ do tướng Cao Biền làm Kinh Lược Sứ, thế kỷ 8-9) và sau này là Hoàng Thành Thăng Long (Lý – Trần, thế kỷ 11-14), tuy không còn lưu giữ được những chứng tích vật chất về kỹ thuật Bắc Tống và Nam Tống, nhưng ở những ngôi chùa và đình cổ ở Hà Tây như chùa Bối Khê, Đình Tây Đằng… vẫn còn lưu dấu sự ảnh hưởng trực tiếp kỹ thuật kiến trúc này (hình 10, 11, 12).

Hình 10. Cung thất của Chùa Bối Khê – Hà Tây, miền Bắc Việt Nam (năm 1338)

Hình 11. Dấu tích “Đấu Củng” ở Đình Tây Đằng

Hình 12. Hình thức “Đấu Củng” ở Chùa Bối Khê

Cấu trúc Đấu Củng gồm bộ phận “Đấu” có chức năng kê đỡ và “Củng” có chức năng gồng gánh. Chúng được đặt chồng lên nhau theo từng cụm, vừa là những đơn vị thiết kế cơ sở (module), vừa có cấu trúc đòn bẩy vươn xa, giảm ứng suất lực lên các cấu kiện chịu tải và triệt tiêu lực xung kích khi có gió bão hoặc sự rung lắc đột ngột do động đất, nó như các khớp nối trong bộ xương con người. Chính nhờ vào cấu trúc đặc biệt này mà các công trình kiến trúc gỗ này vẫn còn tồn tại cho đến ngày nay trên những quốc gia có động đất.

Đây là yếu tố bền vững (Sustainable) cơ bản nhất trong kỹ thuật kiến trúc truyền thống, trải qua thời gian vẫn chưa hề lạc hậu. Đất nước Nhật Bản với thảm họa động đất liên miên, nhưng những công trình di sản kiến trúc bằng gỗ cao ngất trời vẫn đứng sừng sững. Và ngày nay, học tập những “bí quyết” kỹ thuật đó, người Nhật lại tiếp tục xây dựng những tòa cao ốc khác bằng những loại vật liệu mới. Động đất là người thầy vĩ đại đã dạy cho họ những bài học kinh nghiệm và giá trị của công nghệ kiến trúc truyền thống.

(Còn tiếp)

Xin cảm ơn TS.KTS. Lê Vĩnh An  đã gửi đến chúng tôi bài viết này!

TS.KTS. Lê Vĩnh An – Trưởng khoa Kiến trúc, Đại học Duy Tân – Đà Nẵng

(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 01-2018)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *