Di sản kiến trúc Bắc Triều Tiên trong mối quan hệ địa – văn hóa vùng Đông Á (Phần 2)

Giá trị kỹ thuật – công nghệ kiến trúc

Một nét đặc trưng rất khác biệt ở di sản kiến trúc của Bắc Triều Tiên là công trình có đến 2 lớp rui. Lớp dưới là rui tròn (yếu tố thẩm mỹ kiến trúc, lưu dấu của kỹ thuật xây dựng cổ đại), lớp trên là rui vuông (cơ sở tính toán module trong thiết kế kiến trúc). Chính hình thức 2 lớp rui này là sự dự phòng cho khả năng chịu đựng của mái ngói. Rui được xếp theo hình rẻ quạt, điểm hội tụ được tính từ nóc nhà (đây là một loại kỹ thuật xây dựng rất khó, cần có trình độ toán học và hình học không gian cao). Hình thức này hoàn toàn giống với các công trình kiến trúc ở Nara – Nhật Bản và công trình Điện Cần Chánh ở Gyeongbokgung (Cung Cảnh Phúc) – Nam Triều Tiên (hình 13), đây là loại kỹ thuật dành cho kiến trúc cung điện hoặc những công trình tôn giáo tín ngưỡng cấp quốc gia.

Hình 13. Điện Cần Chánh ở Cung Cảnh Phúc – Nam Triều Tiên (1394)

Rui xếp theo hình rẻ quạt là một nghịch lý hiếm có trong kỹ thuật kiến trúc. Theo logic thông thường, kỹ thuật theo lối mòn từ đơn giản đến phức tạp rồi lại được giản lược, kỹ nghệ đi từ thô mộc đến tinh xảo rồi lại được tinh giản hóa. Hình thức rui xếp hình rẻ quạt là kỹ thuật rất khó và phiền phức lẽ ra phải lược bỏ nhưng vẫn được “sủng ái” và chỉ sử dụng cho những công trình kiến trúc quan trọng. Có lẽ, vì nó chính là “Kỷ vật” gợi nhớ ký ức thuở hồng hoang, khi xã hội cộng sản nguyên thủy vừa được phân bào thành những cá thể gia đình đơn sơ – Hình thức Túp lều hình tròn với một chùm cọng cây khoanh thành hình nón đã bảo vệ, che chở con người vượt qua được cái nắng rát ban ngày và lạnh buốt về đêm, khi mà ngọn lửa cộng đồng đã được nhen nhóm trong từng góc bếp, và từ đó con người mới biết đến hạnh phúc gia đình.

Định nghĩa “Con người là sinh vật kinh tế hoàn hảo” không phải là tuyệt đối, con người còn có một nhu cầu cao cả hơn là Ân điển và Báo hiếu. Tâm thức ấy vẫn sống âm ỷ qua hàng ngàn năm và còn trỗi dậy mạnh mẽ ở những thập niên đầu thế kỷ 21 trên mọi châu lục, đấy chính là Tôn giáo – Tín ngưỡng.

Tuy không tìm thấy dấu tích của loại hình rui hình rẻ quạt này ở bất cứ đâu từ cung điện cho đến đình chùa Việt Nam còn lại cho đến ngày nay, nhưng có thể tìm thấy ở rất nhiều ví dụ biến thể của nó: Phần chái bếp ngôi nhà tranh của cụ Nguyễn Sinh Sắc (thân sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh) được phục dựng lại ở Nghệ An, rui tre được xếp theo hình rẻ quạt, một ngôi nhà tranh cũ nát của người Chăm ở Ninh Thuận, và có thể không xa lắm với ví dụ trong tấm ảnh trên đây về túp lều rơm của người dân vùng núi Soa’e thuộc Đông Timor (hình 15). Như vậy, ở Việt Nam có thể cũng đã có loại kỹ thuật này, tuy nhiên những kiến trúc cùng thời như cung điện thời Lý – Trần không còn nữa. Nhưng chí ít, dấu tích kỹ thuật của dòng kiến trúc vương giả chỉ cho ta thấy mập mờ ký ức một thời vang bóng đã được tìm thấy ở Hoàng Thành Thăng Long – Di sản văn hóa Thế giới.

Đặc trưng ảnh hưởng văn minh Trung Hoa của di sản kiến trúc Bắc Triều Tiên và các nước đồng văn châu Á

Theo nghiên cứu của GS.TS. Nakagawa Takeshi (Giám đốc Viện nghiên cứu di sản Thế giới UNESCO, Đại học Waseda, Tokyo-Nhật Bản) khi nghiên cứu về hiện tượng hóa thạch vùng biên và sự ảnh hưởng văn minh Trung Hoa cổ đại trong kiến trúc châu Á, có thể chia thành 2 vòng ảnh hưởng tính từ tâm điểm văn minh là kinh đô Trường An (hình 1): Vòng thứ nhất, gần tâm văn minh, có thể kể đến Bắc Triều Tiên, Nam Triều Tiên, miền Bắc Việt Nam và Nara hay còn gọi là vùng Kinki phía Đông – Nam Nhật Bản. Vòng thứ nhất nhận ảnh hưởng trực tiếp, gần với niên đại phát xuất văn minh, có tính chất bảo thủ tư tưởng và cố hữu kỹ thuật, nên tuy ở những quốc gia khác nhau, khoảng cách địa lý khá lớn nhưng hình thức và kỹ thuật kiến trúc rất giống nhau; Vòng thứ hai, xa tâm văn minh hơn có thể kể đến kinh đô Huế ở miền Trung Việt Nam, thần cung Bình An (Heian Jingu) ở cố đô Kyoto (hình 14) và thành Thủ Lý (Shurijou) ở Okinawa – Nhật Bản (hình 15). Vòng thứ hai nhận ảnh hưởng gián tiếp, niên đại muộn hơn, có tính chất tiếp thu tư tưởng và thích ứng kỹ thuật. Đặc trưng của vòng thứ hai này tốt hơn cho sự phát triển, tuy tinh hoa tư tưởng và kỹ thuật của gốc văn minh đã bị “loãng” đi rất nhiều.

Hình 14. Kiểu kiến trúc rất đặc biệt ở Heian Jingu – Kyoto, Nhật Bản (thế kỷ 12)

Hình 15. Công trình Chính Điện ở Thủ Lý Thành – Okinawa, Nhật Bản (TK 14)

Nhận định trên đây của GS. Nakagawa Taskeshi (Đại học Waseda, Nhật Bản) rất đúng đối với trường hợp kinh đô Huế (thế kỷ 19) ở Việt Nam. Sự hiện diện của yếu tố Trung Hoa cổ đại còn lại là những khái niệm đô thị phong thủy vĩ mô, lối qui hoạch kinh đô đối xứng trục và lưới trượng, hình thức 3 vòng Kinh Thành – Hoàng Thành – Tử Cấm Thành đồng tâm lồng vào nhau, tên gọi và vị trí của các công trình kiến trúc chính như Ngọ Môn, Điện Thái Hòa, Thái Miếu, Thế Miếu… Tuy nhiên, về mặt kỹ thuật kiến trúc thì đã hoàn toàn khác (hình 16). Lưu dấu của cấu trúc “Đấu Củng” chỉ là hình thức mà thuật ngữ kiến trúc cung điện triều Nguyễn ở Huế gọi là “Thừa Vinh”.

“Lưu truyền vô thức đảm bảo cho tiến hóa, lưu truyền hữu thức đảm bảo cho phát triển” (GS.TS.KTS. Hoàng Đạo Kính). Hình thức lưu truyền hữu thức ấy trong kiến trúc được mệnh danh là Bảo tồn di sản kiến trúc.

Có thể nhận định rằng: Di sản kiến trúc Huế là sự cộng hợp của yếu tố kỹ thuật bản địa gốc Đông Nam Á, phương thức tư duy không gian của người Việt và những yếu tố tư tưởng nhận ảnh hưởng từ văn minh Trung Hoa cổ đại.

Những suy tư về công tác bảo tồn di sản kiến trúc Việt Nam

Nếu Văn minh (Civilization) là những sáng tạo, phát minh của loài người nhằm cải thiện điều kiện sinh tồn của mình, thì Văn hiến (Literature) là kinh nghiệm sử dụng văn minh thông qua lịch sử, Văn hóa (Culture) là phương cách sử dụng văn minh của mỗi cộng đồng dân tộc. Văn minh Trung Hoa cổ đại đã từng là động lực cho sự phát triển của các quốc gia Đông Á, tuy nhiên cái “lõi” văn minh đó đã không còn được tìm thấy ở chính nơi phát xuất ra nó. Đây là sự dự báo hiện tượng “rỗng ruột văn minh” trong khung thời gian thiên niên kỷ. May thay, văn hiến và văn hóa của các quốc gia châu Á vẫn còn hiện diện trên những công trình kiến trúc di sản, đang được bảo tồn vì lợi ích chung của nhân loại, và sẽ là cầu nối văn minh cho những giai đoạn kế tiếp của lịch sử.

Bảo tồn không chỉ là giữ cho vật còn đó mà còn gìn giữ toàn vẹn những khái niệm và sự hiểu biết về nó. Bảo tồn di sản kiến trúc là hoạt động lưu truyền hữu thức nhằm lưu dấu gốc văn minh, đảm bảo cho sự phát triển trong tư duy sáng tạo và hoạt động xây dựng kiến trúc hiện tại cũng như tương lai. Lưu giữ cái gốc văn minh không được làm méo mó yếu tố nguyên bản của nó. Nhiệm vụ trọng yếu của công tác bảo tồn là gìn giữ và duy trì tối đa yếu tố Nguyên gốc (Origin) và tính Chân xác (Authenticity). Qua sự hiện diện nguyên vẹn của di sản kiến trúc ở Bắc Triều Tiên, Nam Triều Tiên và Nhật Bản có thể nhận thấy rằng các quốc gia này đã bảo tồn rất tốt di sản kiến trúc của mình, trong khi Việt Nam ta lại chưa làm được như vậy.

“Nguyên gốc” phải được hiểu một cách trong sáng là “vật kiến trúc thật” chứ không phải là đồ nhái, hàng giả; “Tính chân xác” phải được hiểu là “giá trị xác thực về vật liệu và công nghệ xây dựng kiến trúc truyền thống” chứ không phải là sản phẩm của máy in 3D hay chiếc điện thoại bằng vàng ròng trong tác phẩm “Ông già Khốt-Ta-Bít” của Lazar Lagin.

Hình 16. Điện Thái Hòa – Hoàng Thành Huế (1804)

Thay cho lời kết

Khi thăm khu di sản kiến trúc văn miếu Sungkyungkwan và chùa Bohyeon ở Bắc Triều Tiên với bạt ngàn cây xanh, những công trình kiến trúc 1000 năm tuổi được bảo tồn tốt như những “ông già khỏe mạnh” sừng sững oai phong, cảnh quan khu di sản toát lên một cảm giác miên man lịch sử gợi nhớ về một thời đã qua, giúp ta liên tưởng tới cái gốc văn minh gợi nhớ về những nỗi thống khổ hay bến bờ hạnh phúc mà con người đã được trải nghiệm, là động lực thúc đẩy loài người tiếp tục vươn lên… Đó mới chính là thành tựu bảo tồn đích thực.

Di sản Kiến trúc là yếu tố hữu hình của không gian và thời gian lịch sử, vẫn còn ý nghĩa và giá trị đối với hiện tại cũng như tương lai. Cái “Thật” và cái “Giả” tuy na ná giống nhau nhưng giữa chúng có một rãnh sâu cách biệt; cái “Giả” là cái không “Thật”. Của hồi môn từ quá khứ không phải cái gì cũng nhận lấy, tuy nhiên di sản kiến trúc được truyền lại thông qua lịch sử là “Bảng cửu chương không số” mà bất cứ dân tộc nào cũng cần đến.

Xin cảm ơn TS.KTS. Lê Vĩnh An  đã gửi đến chúng tôi bài viết này!

TS.KTS. Lê Vĩnh An – Trưởng khoa Kiến trúc, Đại học Duy Tân – Đà Nẵng

(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 01-2018)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *