CHUNG SỨC “KÉO TƯỢNG” LÊN ĐIỆN BIÊN NGÀY ẤY – PHẦN THỨ BA: VƯỢT ĐÈO PHA ĐIN

Cùng với Ô Quy Hồ (Hoàng Liên Sơn), Khau Phạ (Cổng Trời) và Mã Pí Lèng (Sống mũi ngựa), Pha Đin (Trời đất gặp nhau) là một trong “tứ đại đỉnh đèo” của vùng núi phía Bắc. Đường đèo Pha Đin ngày ấy dài khoảng 32 km, độ dốc dọc 10%, có chỗ 12% đến 15% thậm chí 19%. Có 8 khúc cua bán kính cong dưới 15 m tạo thành các cua tay áo, cua chữ A, chữ Z; trong đó, có nhiều đoạn chỉ là đường cấp phối đủ cho một ô tô đi qua. Vượt đèo Pha Đin là thử thách lớn nhất đối với đoàn xe chở tượng.

Kể từ năm 2006, tuyến tránh đèo Pha Đin được đưa vào khai thác thì đường đèo Pha Đin ngày ấy – nay chỉ còn phù hợp với khách du lịch ưa mạo hiểm

Khi các chị công nhân quản lý đường bộ được phân công đứng làm cọc tiêu sống tại các vị trí khúc cua nguy hiểm phất cờ và tuýt còi báo hiệu các đoạn tuyến lên dốc phía Sơn La đã đảm bảo thông đường an toàn, đoàn xe bắt đầu thận trọng bò lên đèo (Ảnh 1).

Ảnh 1: Đoàn xe chở tượng bò lên đèo Pha Đin

Anh Trung, Phó Tổng giám đốc Vietransimex, trực tiếp chỉ huy từng chiếc xe có hệ thống rơ moóc tự hành Cometto chở các thớt tượng nặng nhất lần lượt vượt qua các khúc cua tay áo có độ dốc lớn. Các anh thợ lành nghề ngồi trên rơ moóc cùng nhịp nhàng xoay cần lái của từng trục bánh xe để hỗ trợ hệ thống tự hành của rơ moóc theo hiệu lệnh giống như một nhạc trưởng của anh Trung.

Sau gần 2 giờ di chuyển như vậy, đoàn xe đã lên đến đỉnh đèo. Anh Hoàng Văn Nhân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên cũng vừa từ phía Tuần Giáo đi đến. Chúng tôi gặp nhau vui mừng khôn xiết. Mục tiêu vượt qua đèo Pha Đin trong ngày 29/2 đã hoàn thành được một nửa. Mọi người rất phấn khởi nhưng cũng đều hiểu rằng việc đổ đèo tiếp theo còn khó khăn và nguy hiểm hơn nhiều (Ảnh 2 và 3).

Anh Trung lại đứng trước từng chiếc xe “khủng” tiếp tục “vũ điệu” xi – nhan, các “vũ công” ngồi trên từng rơ moóc tay nắm cần lái phụ nhịp nhàng múa phụ họa, các anh cảnh sát giao thông làm nhiệm vụ cảnh giới cả phía trước và phía sau cho từng chiếc xe, các cọc tiêu sống liên tục phất cờ và thổi còi… Cả đoàn xe khủng giữ đúng khoảng cách nhích từng chút một bò xuống chân đèo (Ảnh 2 và 3).

Ảnh 2 và 3: Đoàn xe đổ đèo Pha Đin

Khoảng 3 giờ chiều ngày 29/2/2004, đoàn xe đã có mặt đầu cầu Tuần Giáo, cây cầu bê tông dự ứng lực vừa được khánh thành năm 1994 vào dịp Kỷ niệm 40 năm chiến thắng Điện Biên. Cả đoàn thống nhất đi tiếp và sẽ nghỉ lại ở Mường Ảng.

Đoàn công tác chúng tôi đi trước vì cách Tuần Giáo khoảng 5 km là cầu Tà Cơn 2 qua suối Nậm Dương. Đây là một cây cầu gồm 2 nhịp (2 x 20 m) dầm thép liên hợp bản bê tông cốt thép được cắm biển 13 T, bề rộng mặt cầu chỉ 4 m. Theo báo cáo của Khu Quản lý Đường bộ II, cầu đã được tăng cường 2 trụ tạm ở giữa mỗi nhịp. Được nghe báo cáo như vậy, tôi rất lo nên đề nghị anh Đức yêu cầu đoàn xe khi đến phía Đông cầu Tà Cơn thì phải dừng lại cho đến khi được phép qua cầu từng chiếc.

Xe chúng tôi dừng lại đầu cầu Tà Cơn 2. Anh Đức phân công anh Thân Văn Thanh, anh Đoàn Tiến ở lại trên cầu còn anh Bùi Văn Tòng và tôi đi xuống suối. Chúng tôi nhanh chóng rẽ các bụi cây tìm lối xuống để quan sát bên dưới cầu. Khi nhìn thấy tận mắt hệ dầm thép và trụ tạm gia cường của cây cầu này, chúng tôi đánh giá là các xe nặng nhất nếu đi qua đơn chiếc vẫn đảm bảo an toàn nhưng hệ trụ tạm sẽ có biến dạng do độ rơ của các liên kết dưới tác dụng của xe nặng đầu tiên. Điều đáng lo ngại là mặt cầu bê tông cốt thép phía trên 2 trụ tạm sẽ bị nứt. Vết nứt của bản mặt cầu sẽ phản ánh lên lớp bê tông nhựa thành vết nứt mà mắt thường sẽ thấy khá rõ, thậm chí một vệt bê tông nhựa rộng vài chục phân theo chiều ngang cầu ở trên hai trụ tạm có thể sẽ bị nứt vỡ. Vấn đề là sau khi đoàn xe đi qua sẽ phải xử lý vết nứt trên bản bê tông mặt cầu để đảm bảo tuổi thọ của mặt cầu. Anh Đức cho biết, đoạn tuyến QL 279 từ Tuần Giáo đi Điện Biên đã có dự án cải tạo, nâng cấp nên vấn đề chỉ là khả năng chịu tải đối với đoàn xe hiện nay thôi. Anh yêu cầu hai chúng tôi quay xuống suối và tìm vị trí an toàn quan sát được 2 trụ tạm và hai mố để đánh giá mức độ biến dạng của chúng nhằm cảnh báo kịp thời.

Khi chiếc xe đầu tiên được lựa chọn từ 4 chiếc xe nặng nhích dần bò vào giữa nhịp phía Đông của cầu, những âm thanh rít lên ken két từ các liên kết của trụ tạm. Tiếng rít ban đầu nghe rất chói tai rồi nhỏ dần và tắt hẳn. Chúng tôi ra hiệu cho chiếc xe này đi qua nhịp tiếp theo, hiện tượng cũng xảy ra tương tự. Sau khi xe qua cầu, chúng tôi cùng lên mặt cầu quan sát. Đúng như dự đoán, những vết nứt ngang cầu trên mặt bê tông nhựa đã xuất hiện thành một vệt ngay trên mỗi trụ tạm, tuy nhiên bề rộng các vết nứt này khá bé, phải quan sát kỹ mới thấy. Khi chiếc xe nặng thứ hai qua cầu thì tiếng rít gần như không còn nữa. Chúng tôi quyết định cho từng xe lần lượt qua cầu.

Khoảng gần 6 giờ chiều, đoàn xe đến Mường Ảng. Đoàn xe được sắp xếp lại theo thứ tự đầu tượng đi trước bệ tượng đi cuối cùng để sáng hôm sau sẽ tiến vào Thị xã Điện Biên. Người dân được tin đoàn xe sẽ dừng lại ở Mường Ảng đã đổ ra đường chào đón rất đông. Cảm động nhất là các chiến sĩ Điện Biên Phủ năm xưa với quân phục chỉnh tề, huân huy chương lấp lánh trên ngực. Anh Nhân cho chúng tôi biết là các vị cựu chiến binh này tình nguyện sẽ bố trí bảo vệ đoàn xe chở tượng trong suốt đêm nay.

Đang đứng trò chuyện với anh Nhân thì bà Hồng, Giám đốc Công ty Mỹ thuật Trung ương hồ hởi tiến đến đề nghị anh Đức cho anh em trong đoàn công tác của Bộ GTVT kê khai thành tích “kéo tượng” mấy ngày qua để bà ấy làm các thủ tục khen thưởng cho đoàn. Mọi người đều giương cặp mắt ngạc nhiên nhìn bà ấy. Còn ngạc nhiên hơn nữa khi bà ấy bảo đại ý là bà ấy đã biết trước việc chuyên chở này cũng dễ dàng và đơn giản thôi, thế nào cũng thành công và nay đoàn xe chở tượng đã lên đến Mường Ảng đấy thôi. Anh Đức bảo với bà ấy là bên Bộ GTVT không có thủ tục khen thưởng như bà ấy vừa nói. Đúng lúc đó, mấy vị sĩ quan cao cấp quân đội trưa nay đến gặp anh Đức ở chân đèo Pha Đin phía Sơn La ùa đến chúc mừng đoàn xe chở tượng đã vượt qua đèo an toàn và vui vẻ bắt chuyện làm quen với chúng tôi.

(Mời bạn đọc đón đọc tiếp phần 4: Về đích)

Xin cảm ơn!

PGS. TS. TỐNG TRẦN TÙNG – Tổ trưởng tổ cố vấn kỹ thuật của Bộ trưởng Bộ GTVT

Đã gửi đến chúng tôi bài viết này!

(Bài đăng trên Tạp chí Giao Thông Vận Tải ngày 05/05/2024)

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *