Nghiên cứu Tái thiết Ðiện Cần Chánh, Hoàng Thành Huế – Di sản Văn hoá Thế giới – Phần 4: Phương pháp luận Nghiên cứu Tái thiết Điện Cần Chánh

Phương pháp luận Nghiên cứu tái thiết Điện Cần Chánh <<tiếp>>

1.4. Nghiên cứu đối sánh Đồng đại và Đồng dạng (D)

Khái niệm “Đồng đại” là đề cập đến những công trình được xây dựng cùng thời kỳ, “Đồng dạng” là những công trình tương tự nhau về hình thái kiến trúc và tương đồng về công năng sử dụng. 14 công trình được khảo sát phân tích gồm: 09 công trình bên trong Hoàng Thành và Kinh Thành, 05 công trình ở các khu lăng tẩm Hoàng đế (bảng 2). Trong số đó, cấu trúc phần bên trên của 04 công trình gồm Điện Càn Thành, Điện Cần Chánh, Thái Tổ Miếu và Điện Phụng Tiên đã bị mất (chỉ còn lại phế tích nền móng), những cấu trúc này của 10 công trình khác vẫn còn tồn tại.

Dựa trên kết quả đo đạc kích thước thực tế, chúng tôi đã tiến hành phân tích tỉ lệ kích thước giữa mặt bằng và mặt cắt kiến trúc, giữa kích thước tổng thể và kích thước bộ phận, đối sánh chéo giữa hai nhóm đồng đại và đồng dạng để xác định sự tương đồng và dị biệt giữa các công trình kiến trúc, từ đó đề xuất và kiểm chứng giải thuyết về cấu trúc hệ khung gỗ và hệ mái của Điện Cần Chánh.

1.5. Nghiên cứu xác định đơn vị thiết kế dưới triều Nguyễn (E)

Các công trình di sản kiến trúc của Di tích Huế không dùng hệ mét (meters) để thiết kế mà có một hệ đơn vị đo đạc thiết kế riêng. Vì vậy, chúng tôi phải tìm các nguồn tham khảo về đơn vị đo đạc được sử dụng dưới thời Nguyễn bao gồm: Những cây Thước chính thức của triều đình Nguyễn (hay còn gọi là Quan Xích) được lưu giữ trong các bảo tàng ở Việt Nam (bảng 3), những cây trước truyền thống thuộc sở hữu của thợ mộc và thầy địa lý, kiểm chứng số đo từng bộ phận của Cửu Đỉnh (九鼎) tại khu vực Thế Miếu bên trong Hoàng Thành Huế.

Ngoài ra, một biện pháp kiểm chứng đơn vị thiết kế nữa là sử dụng kết quả đo đạc kích thước thực tế của Hoàng Thành và các Lăng (cung cấp bởi các thiết bị đo đạc công nghệ cao) chia cho số kích thước (hệ trượng/xích) được ghi chép trong sử liệu. Kết quả cho thấy, 01 đơn vị thiết kế dùng cho Hoàng Thành ước tính = 424mm ~ 428mm, và 01 đơn vị thiết kế dùng cho các Lăng ước tính = 380mm ~ 382mm.

Bảng 2. Danh mục các công trình nghiên cứu đối sánh

Bảng 3. Danh mục các công trình nghiên cứu đối sánh

1.6. Nghiên cứu phương pháp thiết kế kiến trúc truyền thống (F)

Nghiên cứu sử liệu để truy tìm các thông tin liên quan đến điển chế kiến trúc, các hoạt động xây dựng, sửa chữa dưới triều Nguyễn. Thông kê các danh từ, cụm danh từ và động từ viết bằng chữ Hán để giải nghĩa, thiết lập hệ thống thuật ngữ kiến trúc cung đình Huế và những khái niệm kiến trúc liên quan đến công việc thiết kế Kinh đô Huế. Nghiên cứu hệ thống ký tự được ghi bằng mực nho hoặc được chạm khắc vào các cấu kiện gỗ để tìm hiểu phương pháp định vị không gian kiến trúc cung đình Huế và phương pháp đánh số cấu kiện áp dụng cho việc thi công xây dựng công trình.

Bên cạnh đó, chúng tôi đã thực hiện hàng loạt các chuyến khảo sát nghiên cứu điền dã ở các làng nghề mộc truyền thống, lập lý lịch đối với 18 phường thợ nghề mộc có tay nghề cao trên toàn quốc (bảng 4), phỏng vấn tìm hiểu các loại dụng cụ của thợ mộc, phương pháp thiết kế các loại hình kiến trúc truyền thống như đình, chùa, nhà thờ gia tộc, nhà rường (loại hình nhà ở dân gian phổ biến ở khu vực miền Trung) để đúc kết phương pháp thiết kế kiến trúc truyền thống, từ đó tham khảo cách thức và quy trình để xây dựng giả thuyết về phương pháp thiết kế kiến trúc cung đình Huế.

1.7. Nghiên cứu vật liệu và kỹ thuật xây dựng truyền thống (G)

Cũng trên cơ sở gợi ý từ thông tin sử liệu về các loại vật liệu đã được huy động để kiến thiết Kinh đô Huế, chúng tôi đã tiến hành sưu tầm tìm hiểu về các loại vật liệu như: Tứ Thiết Mộc (Đinh-Lim-Sến-Táu), Thiết Chuyên (gạch Bát Tràng), Điều Chuyên (gạch Vồ), Hoa Chuyên (gạch hoa), Thanh Thạch (đá Thanh Hóa), Pháp Lam (đồng tránh men), Son Chu (sơn ta), Lưu Ly Ngõa (ngói tráng men), Âm Dương Ngõa (ngói âm dương), Bình Ngõa (ngói liệt) và các loại vôi vữa truyền thống khác. Phần lớn những loại vật liệu nêu trên tuy không phổ biến nhưng vẫn còn được sản xuất ở những làng nghề truyền thống rải rác trên toàn quốc (tính cho đến thời điểm khảo sát vào những năm 1998-2006). Một số mẫu vật đã được gửi sang Nhật để phân tích, những kỹ thuật thất truyền đã được nghiên cứu phục hồi như Pháp Lam 3 và Vữa vôi truyền thống dùng trong Di tích Huế 4.

Bên cạnh đó, tiến hành phỏng vấn các nghệ nhân nghề truyền thống liên quan đến công cuộc kiến thiết Kinh đô Huế được ghi chép trong sử liệu như: Nghề sơn mài (làng Đồng Kỵ-Hà Tây, Tiên Nộm-Huế), chế tạo vàng quỳ (Kiêu Kỵ-Hà Nội), khai thác sơn ta (Phú Thọ), khai thác đá Thanh (Núi Nhồi – Thanh Hóa), khai thác gỗ (Nam Đông, Bình Điền -Thừa Thiên Huế), sản xuất gạch và ngói lợp (Bát Tràng-Hà Nội), đúc gò đồng (Phường Đúc-Huế) để ghi nhận và học hỏi những kinh nghiệm, kỹ thuật truyền thống phục vụ cho công việc nghiên cứu vật liệu và kỹ thuật xây dựng truyền thống.

1.8. Nghiên cứu về sự chuyển đổi hình thái kiến trúc (H)

Hình thái của di sản kiến trúc thông qua thời gian sử dụng với những hoạt động sửa chữa, cải tạo luôn bị thay đổi, hoặc có thể đã bị méo mó so với nguyên bản. Vì vậy, để có sự chọn lựa khung thời gian phù hợp cho việc tái thiết, hình thái kiến trúc được lựa chọn cần phải biểu đạt được giá trị đặc trưng của di sản kiến trúc đó vào thời kỳ hoàng kim của nó.

Đối với trường hợp Điện Cần Chánh, đã có sự thay đổi lớn về hình thái kiến trúc từ khi được khởi dựng vào thời Gia Long (1802-1820), tồn tại qua thời Khải Định (1916-1925), Bảo Đại (1925-1945) và bị hủy hoại vào năm 1947. Hình thái kiến trúc vào giai đoạn nào sẽ được lựa chọn để tái thiết là vấn đề cần được luận bàn, lý giải thấu đáo dựa trên kết quả nghiên cứu về quá trình chuyển đổi hình thái kiến trúc của di sản.

1.9. Nghiên cứu mô hình thực nghiệm (I)

Trong quá khứ đã từng tồn tại cách để hình dung ý tưởng thiết kế, hình thức kiến trúc và phương thức kết cấu của công trình muốn xây dựng bằng phương pháp mô hình (được làm bằng đất sét nung, gỗ hoặc kim loại), phương pháp này đang dần bị lãng quên do việc sử dụng công nghệ computer đã phổ biến với các hình ảnh 3D rất thuận tiện cho việc quan sát không gian ba chiều của kiến trúc.

Phương pháp nghiên cứu thiết kế mô hình giúp kiểm chứng một cách trực quan hình thức kiến trúc, khả năng kết cấu chịu lực và tính khả thi của biện pháp thi công. Phương pháp này rất quan trọng đối với các công trình kiến trúc di sản bằng gỗ vì các cấu kiện được ghép với nhau bằng mộng truyền thống, liên kết với nhau để truyền lực và triệt tiêu lực giúp công trình đạt được sự ổn định kết cấu và cân bằng thẩm mỹ. Trong trường hợp thiết kế chưa tối ưu, có thể tháo rời mô hình này để nghiên cứu khắc phục những điểm yếu đó.

Thông thường, tỷ lệ mô hình thích hợp sẽ là 1/200 đến 1/100 cho việc nghiên cứu quy hoạch khu đất hoặc cụm công trình kiến trúc di sản, 1/20 đến 1/10 cho việc nghiên cứu tỉ lệ kiến trúc, 1/5 cho việc nghiên cứu kết cấu và 1/1 cho việc nghiên cứu các hoa văn hoạ tiết trang trí. Như vậy, việc nghiên cứu mô hình thực nghiệm trong trùng tu và tái thiết di sản kiến trúc giống như một bài toán nháp nhằm tránh những sai sót kỹ thuật có thể gặp phải (hình 2).

2. Nguyên tắc “Tứ Định” trong phương pháp luận nghiên cứu tái thiết

Nguyên tắc “Tứ Định” bao gồm 4 phương pháp phân tích nền tảng trong nghiên cứu khoa học bao là: Phân tích định tính (Qualitative analysis), Phân tích định lượng (Quantitative analysis), Phân tích định hình (Featuring analysis) và Phân tích định giá trị (Valuating analysis). Những phương pháp nêu trên cần được áp dụng một cách linh hoạt (đơn lẻ, đồng thời hoặc không đồng thời, trình tự hoặc phi trình tự) để đạt được mục tiêu nghiên cứu.

2.1. Phân tích định tính

Thông tin định tính thường là tên gọi, vị trí tọa lạc, trục, hướng công trình, lịch sử xây dựng và tu bổ, chức năng sử dụng, tầm quan trọng, sự phân cấp công trình v.v… Để có dữ liệu phân tích định tính cần áp dụng kết hợp các hướng tiếp cận (A), (B) và (H).

2.2. Phân tích định lượng

Thông tin định lượng thường là quy mô nền móng, chiều cao công trình, độ dốc mái, chủng loại vật liệu và đặc tính lý hóa, kích thước, số lượng và trọng lượng các cấu kiện tham gia kết cấu, tải trọng hệ mái, sức chịu tải của nền móng. Để có dữ liệu phân tích định lượng cần áp dụng kết hợp các hướng tiếp cận (C), (D), (E), (G) và (I).

2.3. Phân tích định hình

Thông tin định hình thường là hình dáng công trình, sự biến đổi hình thái kiến trúc, màu sắc, cách bố trí không gian nội ngoại thất, các hình thức trang trí mái, và motif trang trí nội ngoại thất v.v… Để có dữ liệu phân tích định hình cần áp dụng kết hợp các hướng tiếp cận (A), (B), (D), (E), (F) và (I).

2.4. Phân tích định giá trị

Thông tin định giá trị thường là sự ước tính hiệu quả các phương pháp tiếp cận nghiên cứu, tính khả thi của kết cấu, hiệu quả thẩm mỹ của hình thức biểu hiện, cấp độ và thời lượng sử dụng, sự hữu ích của công trình sau khi tái thiết, sự tác động tích cực đến xã hội và môi trường văn hoá, cảnh quan thiên nhiên v.v.. Để có dữ liệu phân tích định giá trị cần áp dụng kết hợp các hướng tiếp cận ((B), (G), (H) và (I).

Đới với công việc nghiên cứu tái thiết những di sản kiến trúc đã bị mất thì phương pháp phân tích định lượng và định hình là trọng yếu nhằm cung cấp thông tin liên quan đến giá trị hữu hình (tangible values), phương pháp phân tích định tính và định giá là thứ yếu cung cấp thông tin liên quan đến giá trị vô hình (intangible values) của di sản.

Kết luận
Điện Cần Chánh là một tác phẩm kiến trúc đặc sắc, tiêu biểu cho phong cách kiến trúc cung điện Nguyễn ở Huế. Thông qua việc kiểm chứng thông tin từ các nguồn tư liệu chính sử và các thư tịch cổ có thể khẳng định rằng thông tin về sự tồn tại và các giá trị của ngôi Điện này là hoàn toàn xác thực.

Trên cơ sở vận dụng lý luận, kinh nghiệm trùng tu di sản kiến trúc và điều kiện về thiết bị công nghệ, chúng tôi đề xuất phương pháp luận nghiên cứu tái thiết được cấu thành bởi 9 hướng tiếp cận nghiên cứu và 4 phương pháp phân tích theo nguyên tắc “Tứ Định” gồm định tính, định lượng, định hình và định giá trị, làm nền tảng cho việc triển khai các hạng mục nghiên cứu theo định hướng của nhiệm vụ bảo tồn sẽ được lần lượt trình bày trong những bài nghiên cứu tiếp theo.

Xin cảm ơn TS.KTS. Lê Vĩnh An đã gửi đến chúng tôi bài viết này!

 

TS.KTS. Lê Vĩnh An – Trưởng khoa Kiến trúc, Đại học Duy Tân – Đà Nẵng

(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 02-2023)

Chú thích:
1) Cuộc thám sát khảo cổ học nền móng Điện Cần Chánh (góc Tây-Nam) được thực hiện bởi đội ngũ nghiên cứu của GS. Kiguchi (Đại học Waseda) và các chuyên gia khảo cổ học gồm Trịnh Nam Hải, Huỳnh Anh Vân, Phan Thuý Vân; các chuyên gia kỹ thuật gồm Lê Vĩnh An, Đỗ Hữu Triết, Lê Phước Tân (Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế), Huế, tháng 08/2008.

2) Lê Vĩnh An & Trương Ngọc Quỳnh Châu, “Practicing on the re-construction study of “Can Chanh Dien” Palace, Hue Imperial City, Vietnam-world cultural heritage”, International Journal of Architectural Heritage, https://doi.org/10.1080/15583058.2019.1612483

3) Đỗ Hữu Triết, luận văn Thạc sĩ ngành Quang học “Màu và men màu cho đồ gốm sứ trong di tích Huế”, Đại học Khoa học Huế, 2006.

4) Phùng Phu & Đỗ Hữu Triết, “Nghiên cứu phục hồi vữa vôi truyền thống trong Di tích Huế” (Đề tài khoa học cấp tỉnh), Huế 2003-2008.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *