LÊN TÂY BẮC XÂY DỰNG SÂN VẬN ĐỘNG ĐIỆN BIÊN NGÀY ẤY – PHẦN 2: ĐÈO THUNG KHE – THỬ THÁCH TIẾP THEO

Mặt trời đã lên khá cao mà mây vẫn giăng mắc, bồng bềnh quanh xe. Những tia nắng xuyên qua các giải mây trắng đục ánh lên những sắc màu rực rỡ của cầu vồng. Cậu lái xe cho chúng tôi biết là trên đèo Thung Khe trong 1 ngày thường có đến 4 mùa. Sáng sớm là mát ẩm của mùa Xuân. Trưa là nắng nóng gay gắt của mùa Hè. Chiều về là mát dịu trong nắng vàng le lói của mùa Thu. Tối đến lạnh buốt như mùa Đông, mây sà thấp xuống giăng kín mọi ngả đường, có khi trong vòng một mét thôi mà cũng không nhìn thấy nhau. 

Ngày ấy hai bên đường đèo Thung Khe toàn là rừng tre và cây bụi mọc rậm rạp, um tùm. Đường hẹp nên nhiều đoạn cứ như đang chui xuyên rừng. Lại vẫn là những cung đường cheo leo vách núi, vực sâu hun hút. Thi thoảng lại thấy xác một chiếc ô tô còn trơ khung sắt ngoắc vào gốc cây ở lưng chừng sườn dốc.

 Chiếc U Oát liên tục ném chúng tôi từ bên này sang phía bên kia thành xe, nửa thân người lúc thì bị ép chặt vào lưng ghế, lúc thì bổ nhào ra phía trước. Chiếc xe cứ lầm lũi, gầm gừ leo dốc, vào cua. Vượt đèo hàng giờ mà cũng chẳng gặp chiếc xe nào đi ngược chiều. Thi thoảng mới thấy có người đứng bán vài giỏ măng, mấy bắp hoa chuối rừng ven đường. Mà cũng không biết họ ở đâu đến khi mà đi hàng giờ vẫn không nhìn thấy một túp lều, một mái nhà nào hai bên đường. Thế mà quốc lộ 6 qua đèo Thung Khe ngày ấy đã là cung đường tuyệt vời so với đoạn tuyến của đường 41 ngày xưa. 

Đường 41 ngày xưa được xây dựng từ năm 1925, ban đầu nhỏ hẹp chỉ cho xe 1 đến 2 tấn lưu thông. Đường cũ men theo vách núi và suối sâu, vượt qua sông Đà tại suối Rút và Chợ Bờ. Năm 1967, để tránh đi qua hai phà Chợ Bờ, Suối Rút, một con đường dài 38km được xây dựng vượt dốc Cun đi qua Cao Phong – Mường Khến, vượt đèo Thung Khe đi Tòng Đậu rồi nối ra Bãi Sang. Và chúng tôi đã được đi trên đoạn tuyến này. 

Những câu thơ viết về Tây Bắc của nhà thơ Quang Dũng trong bài “Tây tiến” bỗng như tràn về thánh thót, trầm hùng, vang vọng:

…Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm.

Heo hút cồn mây, súng ngửi trời

Ngàn thước lên cao, ngàn thước xuống

Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi…

…Người đi Châu Mộc chiều sương ấy

Có thấy hồn lau nẻo bến bờ

Có nhớ dáng người trên độc mộc

Trôi dòng nước lũ hoa đong đưa…

Anh Thông bỗng quay lại chỉ cho tôi nhìn sang phía bên trái đường. Cả một không gian rộng mở tít tắp đến chân trời hiện ra phía dưới. Đó là Mai Châu. Còn bên phải là dốc núi dựng đứng. Đang ngây ngất trước cảnh hoang sơ, bao la của núi rừng, của thung lũng Mai Châu thì cậu lái xe phanh gấp làm chúng tôi cùng nhào người ra phía trước. Một cây gỗ to gần bằng bắp đùi lao thẳng từ trên xuống ngay trước mũi xe rồi nằm vật ngang đường. Hú vía. Ngày ấy xe cộ còn thưa thớt, đường vắng nên bà con đẵn cây, chặt tre nứa thường lao chúng từ trên triền núi cao xuống đường rồi gom lại cho trâu kéo về nhà. Đã từng xảy ra tai nạn thương tâm do cây lao từ trên xuống đâm xuyên qua mui xe.

Cậu lái xe bảo chúng tôi: Đèo Thung Khe sắp kết thúc ở ngã ba Tòng Đậu. Từ ngã ba nếu rẽ trái là đi bản Lác, vòng phải tiếp tục ngược lên Đồng Bảng, qua Đồng Bảng đến đèo 46. Vượt qua đèo 46 sẽ đến Lóng Luông rồi đến Mộc Châu.

Xe bon nhanh hơn và cao nguyên Mộc Châu hiện ra trước mắt. Nắng tháng 6 nóng rát nhưng khi lên đến Mộc Châu thì trong xe trở nên mát hẳn. Ngày ấy quốc lộ 6 còn đi qua thị trấn Nông trường Mộc Châu nên chúng tôi được ngắm phố xá thưa thớt 2 bên. Ấn tượng nhất là những thanh niên người H’ Mông (ngày ấy còn gọi là người Mèo) súng kíp khoác vai, thấy chúng tôi đi qua liền giơ cao những con chồn, con chim vừa săn được như chào mời.

Gần 3 giờ chiều, chúng tôi mới dừng nghỉ ăn trưa ở ngầm Yên Châu, bên bờ suối Lóng Sặp. Ngày ấy cây cầu vượt qua con suối này bị bom đánh sập trong chiến tranh phá hoại chưa được xây lại, chỉ còn trơ trụ cầu và 2 mố 2 bên bờ suối. Trong chiến tranh phá hoại, để bảo vệ cầu và bảo đảm giao thông, lực lượng pháo cao xạ đã phối hợp với dân quân địa phương ngày đêm trực chiến bắn máy bay địch và làm nhiệm vụ thông đường. Đặc biệt, tại đây còn có một tiểu đội nữ dân quân trực chiến trên quả đồi gần đó. Chiến công của các cô gái đã được nhạc sĩ Trọng Loan thể hiện trong ca khúc “Người Châu Yên em bắn máy bay” rất thân thuộc với lũ sinh viên chúng tôi hồi những năm 1966 – 1968 đi sơ tán ở Lạng Sơn.

Chúng tôi trải tấm áo mưa lên bãi cỏ ven suối, lôi các thứ lỉnh kỉnh mang từ Hà Nội bày lên đó. Hai bên bờ suối, xoài mọc thành rừng, lúc lỉu quả. Còn trên sườn núi toàn là cây gỗ tếch, còn gọi là cây báng súng. Cứ như là đi picnic vậy. Và cũng là lần đầu tiên trong đời chúng tôi được thưởng thức xoài Yên Châu mua được từ một bà cụ người Thái vừa mang ra bán ở đầu ngầm. Anh Thông cho chúng tôi biết đây là loại xoài tròn, tiếng Thái là muồng kẻo. Tôi tự hỏi xoài gì mà vừa bé vừa xấu thế. Ấy thế mà khi ăn vào mới thấy ngọt, thơm, khác hẳn loại xoài ở các vùng khác. Mùi thơm hấp dẫn đến mức rửa tay rồi, hương thơm của xoài vẫn còn quyến rũ.

Suối Chiềng Đông (st)

Ngã ba Cò Nòi (st)

Nghỉ trưa xong, tạm biệt Yên Châu, tiếp tục rong ruổi, chuẩn bị vượt đèo Chiềng Đông. Cung đèo này dài gần chục cây số nối 2 huyện Yên Châu và huyện Mai Sơn của tỉnh Sơn La. Cậu lái xe chỉ cho chúng tôi con suối dưới chân đèo và cười bảo chị em người Thái vẫn hay cùng nhau tắm tiên ở suối này đấy. Đỉnh đèo là ngã ba Cò Nòi nối quốc lộ 6 với quốc lộ 37. Đây là một trong những cung đèo vô cùng nguy hiểm bởi đèo vắt qua các dãy núi hiểm trở, có nhiều cua tay áo uốn lượn gấp khúc, những khúc cua mà cánh tài xế vẫn gọi là những khúc cua “vẹo sườn”.
Và ngã ba Cò Nòi đã ở phía trước mặt. Những năm năm mươi của thế kỷ XX, mảnh đất này từng là “rốn bom” của Pháp trút xuống để chặn đường quân ta lên Điện Biên. Cậu lái xe bảo địa danh này thực ra có tên là Co Noi. Co là cây, còn Noi là để chỉ một loại nứa tép có tên là Mạy Noi.

Tối muộn chúng tôi mới đến thị xã Sơn La. Ngày ấy đi công tác lên Tây Bắc cần nghỉ lại dọc đường đã có các nhà khách Mộc Châu, Sơn La, Tuần Giáo … sẵn sàng phục vụ chỗ nghỉ mà không phải trả bất cứ một khoản phí nào ngoại trừ việc phải nộp cho nhà khách mỗi bữa ăn chính một cái tem mua lương thực 225gam.

Xe tiến vào nhà khách Sơn La. Chúng tôi cùng đến bàn tiếp đón, nộp công lệnh (giấy đi đường ngày ấy) và tem lương thực cho cô nhân viên. Đến lượt tôi, đang cúi xuống ghi chép vào một cuốn sổ bỗng cô ta ngẩng lên hỏi: Anh là phó trung sĩ? Anh là bộ đội à? Tôi suýt bật cười nhưng kịp trả lời nhẹ nhàng: Không, tôi là giảng viên ở trường đại học. Cô ta à lên một tiếng, đưa cho tôi chiếc chìa khóa và chỉ cho tôi lối lên phòng ở. Nhận lại công lệnh, tôi mới để ý đến trên đó, mục chức vụ của tôi trong tờ công lệnh đã được phòng hành chính của trường ghi bằng cái học vị Doctor Ing. (TSKT) của tôi, cái học vị mà ngày ấy đã được mặc nhiên và tùy tiện cưỡng dịch và viết tắt thành PTS.

Ngày ấy, các nhà khách dọc theo quốc lộ 6 được trang bị khá giống nhau. Giường đơn, nệm Thái độn bằng cỏ khá dày được trải chiếu cói lên trên, chăn bông lồng trong vỏ chăn con công sặc sỡ, màn bằng vải xô, cạnh giường là một chiếc bàn nhỏ có một phích nước sôi, một bộ ấm pha chè và một lọ chè.
Nhận phòng, nhận giường xong, chúng tôi xuống phòng ăn của nhà khách ăn tối. Đói vì buổi trưa chỉ ăn linh tinh các thứ mang theo từ Hà Nội, nay được ăn cơm gạo nương không độn ngô, măng xào thịt, canh cá suối… chúng tôi chén rào rào như tằm ăn dội (ăn rỗi).
Đêm Sơn La khá lạnh. Chăn ấm, nệm êm, lại sau một ngày bị quăng quật trên xe, ê ẩm, mỏi mệt… nên mọi người đều lăn ra ngủ như chết.

Sáng hôm sau cả đoàn còn được nhà khách cho ăn sáng bằng xôi nếp nương chấm muối vừng và lên xe khi Sơn La còn trắng sương phủ dọc đường dù đã khá muộn. Mới rời thị xã một đoạn đã gặp ngay đèo Sơn La. Tuy vậy, cung đèo này trở nên nhẹ nhàng, thanh thoát hơn hẳn so với Thung Khe, Chiềng Đông hôm trước. Thế nhưng vẫn một bên là vực sâu hun hút, một bên là vách núi dựng đứng. Hoa trạng nguyên rực đỏ trải dài hai bên đường.

Vượt qua đèo Sơn La, xe bon bon trên những đoạn đường khá bằng phẳng, một bên là những đoạn suối lấp loáng ánh bạc, một bên là các bản làng với những gốc me cổ thụ xanh mát, những bụi tre uốn cong có tán lá quanh các đốt như những mâm xôi rất khác với tre miền xuôi. Anh Trung khe khẽ hát: “Qua miền Tây Bắc núi vút ngàn trùng xa. Suối sâu đèo cao bao khó khăn ta vượt qua …”. Chưa kịp thư giãn một chút trên xe thì đã đến đèo Chiềng Pấc.

Đèo Chiềng Pấc tuy ít khúc cua gấp, cua tay áo nhưng ở đèo này lại có nhiều chỗ vách núi chắn gần như vuông góc với khúc cua. Cậu lái xe cho biết là lúc vào cua phải hết sức bình tĩnh, không được đánh lái gấp, xe dễ lao xuống vực.

Vừa đổ dốc xuống đèo, xe đang bon thì gặp ngay một phiên chợ đông đúc ven đường. Lần đầu tiên trong đời tôi được tận mắt nhìn thấy các bà, các cô người Thái đang tung tẩy trong bộ áo váy dân tộc tuyệt đẹp với hàng cúc bạc và khăn piêu hoa văn rất đặc trưng của họ. Có vẻ như là họ đang đi trẩy hội chứ không phải đi chợ. Trên tấm biển gắn trước một ngôi nhà nằm ven đường có dòng chữ “Cửa hàng bách hóa tổng hợp Thuận Châu”. Hóa ra chúng tôi đang đi trên mảnh đất của thủ phủ Khu tự trị Thái – Mèo, về sau đổi tên là Khu tự trị Tây Bắc trước đây. Tôi bỗng nhớ vào năm 1959, Bác Hồ đã lên Thuận Châu thăm bà con các dân tộc Tây Bắc.

Bác Hồ thăm Thuận Châu 1959 (st)

Thuận Châu ngày nay (st)

Rời Thuận Châu, chuẩn bị vượt đèo Pha Đin, một trong Tứ đại đỉnh đèo của Tây Bắc. Chiếc U Oát gầm gào ôm cua lên dốc rồi bon bon trên một đoạn đường phẳng cứ như đang bò dọc thượng ốc của một mái nhà khổng lồ nằm ngang lưng trời.

(Mời bạn đọc đón đọc tiếp phần thứ 3: Cung đèo Pha Đin – Tứ đại đỉnh đèo của Tây Bắc – Thử thách tiếp theo)

Xin cảm ơn!

PGS. TS. TỐNG TRẦN TÙNG – Tổ trưởng tổ cố vấn kỹ thuật của Bộ trưởng Bộ GTVT

Đã gửi đến chúng tôi bài viết này!