Cung đèo Pha Đin dài 32km lừng danh cùng chiến thắng Điện Biên Phủ đang ẩn hiện, đang thách thức ngay trước mặt chúng tôi. Những đoạn dốc dựng đứng, những khúc cua vừa bẻ gập rất gắt vừa đổ dốc đột ngột nối tiếp nhau không dứt. Tôi bỗng ngửi thấy một thứ mùi khét lẹt rất lạ bốc lên trong xe. Tôi buột miệng kêu lên với cậu lái xe là hình như chập điện ở đâu đó. Cậu lái xe phì cười và bảo nó là mùi khét do “cháy phanh” khi xuống đèo đấy. Thế mà ở phía trên cao của sườn núi dốc đứng ấy, một người nông dân cùng một con trâu đang cày trên một dải ruộng nương có bề rộng có lẽ chỉ vừa đủ để đặt chân bỗng hiện ra trước mắt làm tất cả chúng tôi cùng sửng sốt ồ lên. Hình ảnh đó vẫn còn in đậm trong tôi đến tận hôm nay.
![]() |
![]() |
Trong chiến dịch Điện Biên, đèo Pha Đin là một trong những đoạn đường huyết mạch quan trọng nhất để tiếp vận vũ khí đạn dược và lương thực cho chiến trường. “Dốc Pha Đin chị gánh, anh thồ” là hình ảnh đã được Tố Hữu hình dung và ghi lại trong bài thơ “Hoan hô chiến sĩ Điện Biên”. Nhằm chặn đường tiếp vận này của quân và dân ta, gần 2 tháng, quân Pháp đã cho máy bay oanh tạc đường số 6, trong đó dữ dội nhất là đèo Pha Đin. Tại đây quân Pháp còn thả thêm nhiều bom nổ chậm và bom bươm bướm. Những chiến sĩ công binh ngoài việc chặt cây, phát quang còn phải rà phá bom nằm rải rác khắp nơi để có được một con đường mòn an toàn. Đèo Pha Đin đã trở thành biểu tượng tinh thần gan dạ của hơn 8.000 thanh niên xung phong. Điều đó đã được ghi lại trên tấm bia lịch sử dựng trên đỉnh đèo.
|
|
Phải mất gần 2 giờ, xe mới qua được đèo Pha Đin. Lại bon bon trên đường phẳng. Một bên là suối chảy róc rách, thỉnh thoảng lại nhìn thấy những cái cọn nước (guồng nước), một công cụ lấy nước phổ biến của các dân tộc miền núi, nhất là đồng bào dân tộc Thái ở Tây Bắc. Một bên là những ngôi nhà sàn nằm sát đường, lúc ẩn lúc hiện sau những hàng cây xanh mát. Tiếng kẽo kẹt, rầm rì, lóc bóc của những “Cọn nước” cùng với tiếng lách cách trên các khung cửi hòa quyện trong màn khói tỏa lên từ các bếp lửa nhà sàn đã tạo nên những bức tranh, những cảnh quan sống động nhưng thơ mộng, yên bình, những điệu nhạc sơn cước mê đắm. Và thị trấn Tuần Giáo đã hiển hiện trước mắt chúng tôi. Tuần Giáo vừa hứng chịu một trận động đất khá mạnh (6,7 độ Richter) xảy ra mấy hôm trước chuyến đi của chúng tôi mà dư chấn ở Hà Nôi cũng đã được chúng tôi trải nghiệm. Sau này tôi mới biết trận động đất này tại Tuần Giáo ở vùng chấn tâm lên tới cấp 8-9 làm mặt đất chao đảo, phát ra tiếng nổ, nhiều núi đá bị sụp, xuất hiện khe nứt rộng 10-15 cm, dài đến 200 m. Trận động đất này xảy ra từng đợt, kéo dài từ 24/6/1983 đến 15/7/1983, thậm chí đến hết năm 1985 với 450 dư chấn.
Trước trận Điện Biên lịch sử, con đường từ Tuần Giáo tới Điện Biên chỉ là con đường mòn vắt qua rất nhiều đèo cao, suối sâu, rộng vừa đủ cho người đi bộ và ngựa thồ di chuyển. Thế mà chỉ trong vòng một tháng, lực lượng công binh và thanh niên xung phong đã mở rộng đường, bắc cầu, xây cống cho xe kéo pháo vào các điểm phụ cận rồi dùng sức người kéo pháo lên các cao điểm.
Từ quốc lộ 6 đến ngã ba Tuần Giáo rẽ trái đi theo quốc lộ 279 qua Mường Ẳng là đèo Tằng Quái.
![]() Thị trấn Mường Ảng ngày nay (st) |
![]() Thị trấn Mường Ảng ngày nay (st) |
Ngày ấy từ trên đèo Tằng Quái nhìn xuống, Mường Ẳng (tiếng Thái có nghĩa là khoe sắc bản mường) như một tấm thảm màu xanh thẫm khổng lồ của rừng cây “mắc ten – quả đen” do Nông trường quốc doanh Mường Ẳng trồng lấy hạt xuất khẩu để chiết xuất làm dầu công nghiệp. Khoảng 1993, nông trường giải thể, cây mắc ten cũng không còn và ngày nay đã được thay thế bằng cây mắc ca.
Qua đèo Tằng Quái, đèo dốc ít dần, đường bằng phẳng hơn. Ngày ấy, quãng đường từ đèo Tằng Quái đến thị xã Điện Biên cây cối hai bên còn rất um tùm, rậm rạp. Dù ngoài trời nắng chói chang nhưng trong xe mát rượi. Vòm cây lá hai bên che mát cả con đường làm tôi nhớ lại những hình ảnh trong các bộ phim tài liệu “Việt Nam trên đường thắng lợi”, “Điện Biên Phủ” … được xem hồi còn học phổ thông ở quê nhà tại các buổi chiếu phim ở Bãi Bè, ở Cồn Ông Binh… Cảnh những đoàn xe kéo pháo lên Điện Biên xuyên dưới những tán lá dày đặc khiến máy bay của địch không phát hiện được trong những cuốn phim hồi đó giờ đang hiển hiện trước mắt chúng tôi. Văng vẳng bên tai xen lẫn tiếng gió rừng xào xạc cứ như có cả tiếng hát “… hò dô ta nào kéo pháo ta vượt qua đèo …”.
Đang chìm đắm trong hồi ức và suy tưởng thì bầu trời rộng mở trước mắt chúng tôi. Xe đang bon giữa một thung lũng nhỏ, hai bên đường là ruộng lúa. Xa hơn một chút vẫn là những ngọn núi trải dài nhấp nhô. Tôi bỗng phát hiện ra trên sườn núi có những đám nương rẫy rực rỡ những vạt hoa màu đỏ chen lẫn màu trắng, màu tím vô cùng quyến rũ. Đã gần cuối tháng 6, mùa hoa ban, hoa trẩu đã qua rồi mà. Chúng tôi đang đoán già đoán non thì cậu lái xe cười bảo đấy là nương cây thuốc phiện trồng xen lẫn cải Mèo đấy, chốc nữa về đến nhà khách của huyện các bác, các anh tha hồ mà ngắm. Mà cải Mèo trồng xen với cây thuốc phiện ăn ngọt lắm đấy.
![]() |
![]() |
Rồi cậu ta kể về nguồn gốc của cái xe U Oát mới cứng mà chúng tôi đang đi. Đó là phần thưởng của trên vừa tặng cho huyện Điện Biên có thành tích trông cây thuốc phiện đấy. Hồi đó việc trông cây này chưa bị cấm nhưng được quản lý rất chặt. Đến mùa thu mua nhựa cây, huyện thành lập các tổ công tác gồm 7 người đại diện cho chính quyền và các đoàn thể, các tổ chức thuộc hệ thống chính trị … xuống các bản làng để mua gom nhựa cây thuốc phiện lấy từ quả của nó. Riêng cây thuốc phiện sau khi đã lấy nhựa thì được thu mua để xuất khẩu sang Liên Xô dùng cho sản xuất Pantocrin. Đó là những lọ thuốc bổ mà ngày ấy, những người đi Liên Xô hay mua đem về làm quà biếu những người già yếu.
(Mời bạn đọc đón đọc tiếp phần thứ 4: Khung cảnh điện biên ngày ấy)
Xin cảm ơn!
PGS. TS. TỐNG TRẦN TÙNG – Tổ trưởng tổ cố vấn kỹ thuật của Bộ trưởng Bộ GTVT
Đã gửi đến chúng tôi bài viết này!