Quần thể Di tích Cố đô Huế là Di sản Văn hoá đầu tiên của Việt Nam được tổ chức UNESCO công nhận là Di sản Văn hoá thế giới vào tháng 12/1993 với giá trị nổi bật toàn cầu và được bảo vệ vì lợi ích của nhân loại. Với nỗ lực của chính quyền và nhân dân Thừa Thiên Huế, sự quan tâm chỉ của Trung ương và sự hỗ trợ đắc lực của cộng đồng quốc tế, Quần thể Di tích Cố đô Huế đã vượt qua giai đoạn khủng hoảng, đang trên đà ổn định và phát triển.
Thông qua nghiên cứu này, chúng tôi đề xuất bổ khuyết khái niệm trung gian giữa Bảo tồn (Consservation), Kế thừa (Inherritance), Phát huy (Utilization) và Phát triển (Development) giúp làm rõ lộ trình nhận biết giá trị di sản văn hóa như là cách cụ thể hoá bản đồ tư tuy trong công tác bảo tồn, góp phần vào sự phát triển phồn vinh của đất nước Việt Nam.
Hình 5. Ngọ Môn – Hoàng Thành Huế, nơi Hoàng đế Bảo Đại thoái vị 1945 (Nguồn: T.N.Q. Châu, 01/2020)
Từ châu Ô-Lý đến châu Thuận – Hoá và kinh đô Huế
1. Vị trí địa lý và nguồn gốc danh từ “Huế”
Vị trí của tỉnh Thừa Thiên Huế nằm trong dải đất hẹp của miền Trung Việt Nam. Theo địa giới hành chính, phía Bắc giáp tỉnh Quảng Trị, phía Nam giáp TP Đà Nẵng, phía Tây giáp dãy núi Trường Sơn và phía Đông giáp với Biển Đông. Nằm ở vĩ tuyến 16°35’, thuộc vùng khí hậu nhiệt đới đặc trưng bởi ảnh hưởng gió mùa, thời lượng chiếu nắng lớn, lượng mưa và độ ẩm cao. Có nhiều đầm lầy ngập mặn giữa đồng bằng phù sa và biển, lượng mưa trung bình trên 2000mm/năm, nhiệt độ trung bình 25,1°C.
Trong suốt chiều dài lịch sử, vùng đất Huế nằm trong sự giao thoa nhiều tầng của văn hóa Đông Sơn và Sa Huỳnh. Theo các thư tịch cổ, đây là một trong năm huyện thuộc phủ Nhật Nam của Trung Hoa thời Hán (Triệu-Nam Việt, thế kỷ 2-3 trước Công nguyên)1. Căn cứ vào sử liệu Việt Nam, vào thời Champa, vùng đất Huế được đặt tên là Ô Lý (gồm Châu Ô và Châu Lý hợp thành), năm 1306 (thời nhà Trần) bắt đầu thuộc lãnh thổ của Đại Việt, được đổi tên là Thuận Hóa (gồm Châu Thuận và Châu Hóa hợp thành) (hình 1, 2, 3). Tương truyền rằng, theo phương ngữ gốc Chăm “óa” đã được chuyển âm thành “óe”, từ đó từ “Hoá” đã được phát âm trại thành “Hóe”, sau một giai đoạn chỉnh âm phương ngữ gốc Việt thành “Huế” và được sử dụng liên tục cho đến ngày nay (về mặt từ nguyên, chữ “Huế” hoàn toàn không có nghĩa trong ngôn ngữ Việt cũng như ngôn ngữ Chăm).
2. Lịch sử hình thành Quần thể Di tích Cố đô Huế
Khi Chúa Nguyễn Hoàng, con của vị khai quốc công thần Nguyễn Kim triều Hậu Lê (1427-1789), vào Thuận Hóa trấn thủ Thuận Hoá (1558-1613), ông đã nỗ lực để biến vùng đất hoang hóa này thành đất canh tác trù phú. Bắt đầu từ đời kế vị thứ nhất là Chúa Nguyễn Phước Nguyên (1613-1635), vùng đất này đã trở thành kinh đô của vương quốc Đàng Trong (được biết đến với tên gọi Cochinchina) cho đến năm 1777. Sau khi Tây Sơn dấy binh khởi nghiệp, Nguyễn Huệ xưng đế lấy niên hiệu là Quang Trung, dựng nên triều đại Tây Sơn (1788-1802) đồng thời đặt kinh đô ở Huế và lấy tên là kinh đô Phú Xuân 2.
Năm 1802, Nguyễn Ánh (hậu duệ của dòng họ Nguyễn Hoàng) lên ngôi Hoàng đế, lấy niên hiệu là Gia Long, khôi phục cơ nghiệp tổ tiên, lập nên triều đại nhà Nguyễn (1802-1945) và lấy quốc hiệu là Việt Nam. Theo truyền thống tổ tiên để lại, Hoàng đế Gia Long quyết định chọn Huế làm kinh đô 3 và cho quy hoạch Kinh Thành Huế theo thuyết phong thủy Trung Hoa (hình 4). Hoạt động xây dựng Kinh đô Huế tuy bắt đầu từ đầu thời Gia Long (1802-1820) nhưng mãi đến thời Minh Mạng (1820-1841) mới được triển khai trên diện rộng. Có thể phân chia thành 04 giai đoạn lịch sử như sau:
- Giai đoạn từ thời Gia Long đến thời Minh Mạng (1802-1840), là giai đoạn lập kế hoạch, thiết kế và xây dựng. Theo đó, Hoàng đế Gia Long chính là tác giả của bản vẽ thiết kế quy hoạch Kinh Thành Huế, sau đó Hoàng đế Minh Mạng là người kế tục sự nghiệp và thực hiện đồ án xây dựng kiến trúc quy mô bậc nhất Đông Nam Á này;
- Giai đoạn từ thời Thiệu Trị đến thời Tự Đức (1841-1883) là giai đoạn hoàn thiện công việc kiến thiết kinh đô;
- Giai đoạn từ thời Thành Thái đến thời Duy Tân (1889-1916), là thời kỳ sửa chữa, thu nhỏ quy mô và bắt đầu nhập khẩu vật liệu xây dựng mới;
- Giai đoạn từ thời Khải Định đến hết thời Bảo Đại (1916-1945) là giai đoạn tiếp biến văn hoá kiến trúc Việt-Pháp và chuyển đổi phong cách kiến trúc.
Việc xây dựng, mở rộng và sửa chữa Kinh đô Huế gắn liền với sự tồn tại của triều đại nhà Nguyễn trong gần 1,5 thế kỷ trên đất nước Việt Nam. Vì vậy, vùng đất Huế được thừa hưởng một khối lượng di sản văn hóa đồ sộ từ thời kỳ đó với môi trường lịch sử sinh thái, Kinh thành, Hoàng thành, Lăng tẩm của các thế hệ Hoàng đế triều Nguyễn, Hổ Quyền, Đàn Nam Giao, Đàn Xã Tắc, Đàn Tiên Nông, Đàn Sơn Xuyên và các công trình kiến trúc tôn giáo, tín ngưỡng khác. Năm 1993, Quần thể Di tích Cố đô Huế (sau đây gọi tắt là Di tích Huế) đã được UNESCO ghi vào danh mục Di sản Văn hóa Thế giới đầu tiên của Việt Nam và được ghi nhận với những giá trị đặc thù, nổi bật mang tính toàn cầu.
Hình 4. Trục và hướng của Kinh Thành Huế (từ sử liệu đến thực tế)
Nỗ lực bảo tồn và hành trình di sản
1. Giai đoạn trước 1975
Như có sự hỗ trợ nhiệm màu của sở phong thuỷ Kinh đô Huế, cho dù đã trải qua nhiều biến động lịch sử, chiến tranh tàn khốc, điều kiện khắc nghiệt của thiên nhiên và sự lãng quên của lịch sử, nhưng Di tích Huế vẫn như “trơ gan cùng tuế nguyệt”. Trước đó, năm 1945, nước Việt Nam mới độc lập được thành lập theo tư tưởng dân chủ cộng hòa đối kháng với tư tưởng thực dân phong kiến, Hoàng đế Bảo Đại (Hoàng đế cuối cùng của triều Nguyễn ở Việt Nam) thoái vị và trao quyền nhiếp chính cho chính phủ lâm thời do Chủ tịch Hồ Chí Minh đại điện, đã có cam kết với Hoàng đế Bảo Đại về việc bảo vệ Hoàng Cung, Lăng Tẩm và gia tộc của họ Nguyễn ở Huế khi chính phủ lâm thời tiếp quản chính trị, lịch sử minh chứng rằng lời cam kết ấy đã và đang được thực hiện (hình 5).
Từ năm 1954 đến năm 1975, nước Việt Nam bị chia cắt thành hai miền Bắc – Nam. Vị trí của Quần thể Di tích Cố đô Huế (sau đây gọi tắt là Di tích Huế) thuộc địa giới hành chính của chính quyền miền Nam Việt Nam. Bằng nỗ lực của chính quyền Nam Việt Nam và một phần chủ ý của hoàng tộc nhà Nguyễn, trong đó Hoàng Thái Hậu Từ Cung (thân mẫu của Hoàng đế Bảo Đại) đóng vai trò then chốt, Di tích Huế đã liên tục được bảo tồn. Một số vật liệu xây dựng mới đã được sử dụng để sửa chữa các di tích vào thời điểm đó như xi măng, bê tông và sơn dầu thay cho các vật liệu truyền thống.
2. Giai đoạn sau 1975
Từ tháng 4/1975, Việt Nam trở thành một quốc gia độc lập thống nhất, Di tích Huế nằm dưới sự quản lý của Nhà nước CHXHCN Việt Nam. Từ năm 1975-1990, đã từng có 02 hiệp hội của chính phủ phụ trách việc bảo tồn Di tích Huế. Trong giai đoạn này, hoạt động chính của hàng loạt công tác bảo tồn là bảo vệ, duy tu và lập hồ sơ di tích. Ngoài ra, trong những năm 1971-1981, đã có một số chuyên gia của UNESCO đến thăm Huế và khảo sát về quần thể di tích này. Tháng 11/1981, ông A.M.M’Bow, Tổng Giám đốc UNESCO, đã có chuyến thăm chính thức sang Việt Nam, ông đã thay mặt UNESCO phát động lời kêu gọi cộng đồng quốc tế bảo tồn Di tích Huế.
Với những nền tảng đó, nhóm công tác Huế – UNESCO (viết tắt là HUWG) đã được thành lập từ năm 1982, đồng thời Công ty Quản lý Lịch sử Văn hóa Huế cũng đã được thành lập vào 10/6/1982. Năm 1987, Việt Nam nộp đơn xin trở thành thành viên của Công ước Di sản Thế giới. Ngay sau đó, HUWG đã kiến nghị với chính phủ Việt Nam về việc lập hồ sơ di tích để tiến hành quảng bá Di tích Huế nhằm trình UNESCO ghi danh là Di sản Văn hóa Thế giới đầu tiên của Việt Nam. Năm 1992, Công ty Quản lý Lịch sử Văn hóa Huế được tái cơ cấu và đổi tên thành Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế với chức năng và nhiệm vụ chính là tham mưu xây dựng kế hoạch, chiến lược bảo tồn, phục hồi và phát huy giá trị Di tích Huế. Có thể nhận định rằng đây là cột mốc quan trọng cho những thành tựu của công cuộc bảo tồn và phát huy giá trị Di tích Huế sau này.
3. Giai đoạn sau đổi mới từ năm 1990
Trong suốt những năm 1990, sau chính sách đổi mới của Việt Nam, Di tích Huế đã trở thành đối tác văn hóa quan trọng của quốc gia Việt Nam với Thế giới. Kinh phí dành cho công tác bảo tồn được tăng lên đáng kể, công tác bảo tồn Di tích Huế được Trung ương đẩy mạnh và thực hiện một cách bài bản, khoa học. Hồ sơ đệ trình UNESCO năm 1991 gồm 52 bài viết, 62 bản đồ khổ lớn, hơn 100 ảnh chụp từ trên không và tư liệu ảnh cũ, 64 phim slide, bản vẽ và băng video dài 45 phút. Hồ sơ được Bộ Văn hóa – Thông tin Việt Nam (vào giai đoạn đó) duyệt và gửi đến Cơ quan UNESCO tại Paris thông qua Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam vào tháng 10/1991.
Trong Hội thảo lần thứ 17 của Ủy ban Di sản Thế giới (viết tắt là WHC) của UNESCO được tổ chức tại Colombia vào tháng 12/1993, WHC đã quyết định đưa Di tích Huế vào Danh sách Di sản Văn hóa Thế giới. Báo cáo của hội thảo này mô tả: “Quần thể Di tích Cố đô Huế là một ví dụ điển hình về thiết kế và xây dựng kinh đô phòng thủ. Nó thể hiện sức mạnh của vương quốc phong kiến Việt Nam ở thời kỳ cực thịnh vào đầu thế kỷ 19”. Trong điều khoản chính thức của UNESCO ngày 11/12/1993 do ông Federico Mayor, Tổng Giám đốc UNESCO, ký gửi chính phủ Việt Nam nhấn mạnh rằng: “Được đưa vào danh sách này có nghĩa là di sản đó đã được công nhận là Di sản Văn hóa hoặc Di sản Thiên nhiên có giá trị nổi bật toàn cầu và được bảo vệ vì lợi ích của nhân loại”.
Ngay sau đó, các hoạt động hỗ trợ đã được phát động rầm rộ và hiệu quả, một số hội thảo quốc tế về bảo tồn đã được tổ chức tại Huế và Hà Nội, các cuộc triển lãm giới thiệu Di sản Văn hóa Huế được thực hiện định kỳ, một số dự án hợp tác quốc tế về bảo tồn Di tích Huế đã được thực hiện như Hữu Tùng Tự ở lăng Minh Mạng (Dự án hợp tác Việt-Nhật 1993-1995), Thế Tổ Miếu ở Đại Nội (Dự án hợp tác Việt Nam-Ba Lan 1996 -1997).
Duyệt Thị Đường ở Hoàng Thành Huế (Dự án hợp tác Việt-Pháp 1998-2001) và những nguồn tài trợ vãng lai khác.
Giai đoạn 1994-2010, Chương trình hợp tác nghiên cứu bảo tồn Di tích Huế giữa Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, Việt Nam và Viện Đại học Waseda (Nhật Bản) đã được triển khai và đem lại những kết quả thiết thực nâng cao chất lượng bảo tồn Di tích Huế. Một trong những thành quả quan trọng của chương trình hợp tác này là đã thiết lập được phương pháp luận bảo tồn, trùng tu và tái thiết di sản được cụ thể hoá bằng dự án.
Nghiên cứu tái thiết Điện Cần Chánh mà phần cốt lõi của dự án này là luận án Tiến sĩ của Lê Vĩnh An đã bảo vệ thành công tại Viện Đại học Waseda, Nhật Bản vào tháng 03/2009.
Có thể nhận định rằng, kể từ khi Di tích Huế được công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới tháng 12/1993, bằng sự nỗ lực của Chính phủ Việt Nam và cộng đồng quốc tế, Di tích Huế đã được bảo tồn bền vững. Tại hội thảo lần thứ 9 của HUWG tại Hà Nội năm 1999, UNESCO đã nhận định rằng: “Di tích đã qua giai đoạn khủng hoảng, đang trên đà ổn định và phát triển”.
Bảo tồn, kế thừa, phát huy và phát triển
Dự án bảo tồn tổng thể Di tích Huế giai đoạn 1996-2010 đã được Thủ tướng Chính phủ Việt Nam phê duyệt vào tháng 12/1996, Quyết định 818/QĐ-TTg ngày 07/6/2010 về việc phê duyệt Đề án điều chỉnh quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị di tích Cố đô Huế giai đoạn 2010-2020, theo đó ở giai đoạn III (2018-2020), nhiệm vụ đặt ra là: “Hoàn chỉnh việc phục hồi và tôn tạo những phế tích có giá trị tiêu biểu. Cơ bản phục hồi hoàn nguyên các công trình quan trọng khu vực Đại Nội theo kiến trúc Hoàng Thành trước đây và phương án quy hoạch bảo tồn được duyệt”; trong đó bao gồm công trình di sản kiến trúc Điện Cần Chánh. Quyết định số 1261/QĐ-TTg ngày 19/10/2022 về việc phê duyệt nhiệm vụ Quy hoạch chung đô thị Thừa Thiên Huế đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065, với mục tiên quy hoạch được ưu tiên hàng đầu là: “Đến năm 2025, Thừa Thiên Huế trở thành đô thị trực thuộc trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản Cố đô và bản sắc văn hoá Huế, với đặc trưng văn hoá, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường và thông minh”.
Theo đó, “Di sản Cố đô Huế” (Di tích Huế) là tài sản để lại cho thế hệ sau, còn thừa kế là sự tiếp nối di sản đó. Khái niệm di sản cần được hiểu một cách đúng đắn và tương xứng với các nội hàm ngữ nghĩa được đề cập trong những văn bản hành chính nêu trên. Trong khuôn khổ nghiên cứu này, tính kế tục của truyền thống và tính toàn vẹn của giá trị cấu thành di sản luôn đóng vai trò quyết định trong việc thẩm định giá trị di sản.
Hiệu quả đơn giản là một phép trừ có toan tính, những gì trừ đi nhưng để lại kết quả, mà kết quả đó có ích và có giá trị cho cộng đồng, cho đất nước là những gì chúng ta cần bảo tồn, kế thừa và phát huy làm nền tảng cho sự phát triển bền vững. Vì vậy, Bảo tồn (Conservation), Kế thừa (Inheritance) và Phát huy (Utilization) cần được nhóm lại thành một logic thống nhất không thể thiếu mà phải bao gồm. Bảo tồn không chọn lọc sẽ tạp nham, phát triển không kế thừa là thiếu gốc rễ, không bền vững. Như vậy, kế thừa là cầu nối tất yếu giữa bảo tồn và phát huy, từ đó mới có nền tảng để Phát triển bền vững (Subtainable Development). Làm thế nào để kế thừa một cách hiệu quả tinh hoa từ công tác bảo tồn di sản văn hóa vẫn là bài toán khó mà mỗi đơn vị có chức năng tham mưu, mỗi đơn vị chủ quản di sản và mỗi cộng đồng dân tộc sản sinh ra di sản phải tự mình tự duy sáng tạo cho phù hợp.
Thay lời kết
“Di sản sống” (Living Heritage) không chỉ hiểu đơn thuần là sự hiện hữu và giá trị kinh tế của nó đem lại trong xã hội đương đại, mà trước tiên cần phải nhận thức rằng di sản đó là một “Thực thể sống” (Living Object) có nội lực và từ trường tác động tới nhận thức của con người, có quá khứ, hiện tại và tương lai. Quá khứ của nó là thời vàng son của chủ thể sáng tạo đã kiến tạo nên hoặc thời kỳ điêu tàn vì chiến loạn đã qua, hiện tại của nó đang được nâng niu gìn giữ trong trạng thái không được toàn vẹn hình hài di sản, tương lai của nó sẽ như thế nào nếu hiện tại chúng ta không suy nghĩ đến và không nuối tiếc một phần quan trọng của giá trị di sản đã bị đánh mất thông qua lịch sử.
Bảo tồn di sản kiến trúc không chỉ gìn giữ những cấu trúc vật chất của công trình di sản còn đó mà còn là bảo tồn tất cả những gì liên quan đến sự tồn tại của chúng, và có thể làm cho chúng được tái sinh vì lợi ích của nhân loại như lời của ông Federico Mayor, Tổng Giám đốc UNESCO, đề cập trong điều khoản chính thức của UNESCO ký gửi chính phủ Việt Nam ngày 11/12/1993. Vì vậy, việc phục hồi và tái thiết những công trình di sản kiến trúc quan trọng, có giá trị nổi bật toàn cầu của Di tích Huế đã bị mất như Điện Cần Chánh (sẽ đề cập trong số nghiên cứu tiếp theo) là khả thi và rất cần thiết nhằm góp phần trả lại nguyên vẹn hình hài di sản, tính toàn vẹn của giá trị di sản vốn có của Quần thể Di tích Cố đô Huế.
Xin cảm ơn TS.KTS. Lê Vĩnh An đã gửi đến chúng tôi bài viết này!
Tác giả:
TS.KTS. Lê Vĩnh An, Viện Trưởng Viện Kỹ thuật Công nghệ Việt-Nhật, Đại học Duy Tân, Đà Nẵng
KS. Nguyễn Thế Sơn, Phó Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Cung Đình Huế, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, Thừa Thiên Huế
ThS. Nguyễn Thị Kim Nhung, Giảng viên, Viện Đào tạo và Nghiên cứu Du lịch, Đại học Duy Tân, Đà Nẵng
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 10-2022)
Chú thích:
1) Trần Quốc Vượng, “Xứ Huế dưới góc nhìn Chính trị Văn hoá”, Tạp chí Di sản Văn hoá, số 3, Hà Nội 2003, tr. 5.
2) Li Tana, Nguyen CochinChina – Southern Vietnam in the Seventeenth and Eighteenth Centuries, Cornell University, Seap, New York 1998, tr. 11-17, 139-154.
3) Quốc Sử Quán triều Nguyễn, Khâm Định Đại Nam Hội Điện Sự Lệ, Bộ Công; Đại Nam Nhất Thống Chí, Kinh Sư.
4) Lê Vĩnh An, Luận án Tiến sĩ “Reconstruction study on the Plan and Section of the ‘Can Chanh Dien’ main palace of the Nguyen dynasty”, Viện Đại học Waseda, Tokyo, Nhật Bản 2009.